Chồng qua đời, vợ bán đất gia tộc?
Vụ việc xảy ra đối với ông Võ Văn Thành (SN 1935, ngụ tại 2669/21B, tổ 33, khu phố 2, phường An Phú Đông, quận 12, TP HCM) và bà Phạm Thị Hòa (em dâu ông Thành). Rắc rối gia đình xuất hiện kể từ khi em trai ông Thành qua đời và sự mất tích của cuốn sổ đỏ mà người em đứng tên.
Em trai ông Thành kết hôn cùng bà Phạm Thị Hòa (SN 1958, thường trú tại số nhà 2660/2B , khu phố 2, phường An Phú Đông, quận 12) và mất vào cuối năm 1999. Bà Hòa nhanh chóng có chồng mới và sau đó chuyển về sinh sống tại Gò Dầu (Tây Ninh).
Do người chồng đã khuất đứng tên quyền sử dụng đất, sau khi có chồng mới, bà Hòa bị cho là về nhà cũ bán cho rất nhiều người như bà Phạm Thị Đẹt, ông Nguyễn Quốc Túy, ông Phạm Văn Tú và một số người khác, mỗi người từ vài trăm đến trên 1500m2 của thửa đất, hiện chỉ còn lại 100m2.
Bà Hòa bị cho là đã bán đất bằng giấy tay, không làm thừa kế, không công chứng cho người mua để cất nhà ở ổn định. Do người mua muốn hoàn thành thủ tục sang tên mới thanh toán hết tiền, lúc này bà Hòa quay sang đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) từ anh chồng.
Ông Thành cho rằng sổ đỏ đã thất lạc từ lâu, cũng không nhớ có giữ hoặc ai giữ, nên không có đưa cho em dâu, tuy nhiên hiện tại ông có các hồ sơ chứng nhận phần đất đó có nguồn gốc từ gia tộc mình để lại.
Theo hồ sơ còn sót lại cho thấy, phần đất mà chồng bà Hòa đứng tên do ông ngoại Dương Ngọc Cơ và mẹ ông là bà Dương Thị Kiện đứng đăng bộ có trước năm 1975, có bản trích sao điền thổ được lập ngày 02/03/1944, khi ông bà còn sống đứng tên gồm bản số 1724/TS- TTTTĐK do ông Dương Ngọc Cơ đứng bộ, bản số 1725/TS- TTTTĐK do bà Dương Thị Kiệt đứng bộ. Cả 2 bản được Trung tâm Thông tin và Đăng ký Nhà đất (Sở Địa chính – Nhà đất TP HCM) trích sao ngày 18/7/2002 theo yêu cầu của ông Võ Văn Thành. Tuy nhiên, bản trích sao này chỉ để tham khảo và không có giá trị thay thế giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà - đất, chỉ có giá trị về bằng chứng nguồn gốc đất của gia tộc.
Người em dâu “lật kèo”?
Với mong muốn giữ lại phần đất của gia tộc nhà mình để không bị bán đi, ông Thành có biên bản thỏa thuận bằng tay, qua đó cho bà Hòa một số tiền vàng là 57 chỉ vàng 24k và 25 triệu đồng để bà Hòa mua thửa đất ở Gò Dầu (Tây Ninh) sinh sống để đổi lại lại cho ông 50% diện tích đất có Giấy chứng nhận QSDĐ số 01919/Q12/1999 tại khu phố 2, phường An Phú Đông, quận 12 , TP HCM. Trên thực tế diện tích chỉ còn 100m2.
Không biết tiền nhận được bà Hòa sử dụng vào đâu nhưng đất ông Thành không được nhận rồi sau đó ngày 27/06/2003 ông cho rằng bị em dâu kéo ra tòa để đòi lại sổ đỏ bị thất lạc, bất chấp vấn đề hòa giải giữa hai người đã được thực hiện trước đó.
Ông Thành cho rằng: “Sau khi tôi và bà Hòa được hòa giải, nhưng vì muốn ôm luôn phần đất còn lại bà Hòa yêu cầu tôi phải cho 2 người con của bà ta về ở trên căn nhà của 100m2 nêu trên mới đồng ý cho tôi sửa chữa nhà. Do lòng tham không được giải quyết bà Hòa liền đưa vấn đề tới tòa án”.
Từ năm 2003 đến nay, bà Hòa bị cho là đưa ra mọi yêu sách yêu cầu ông Thành phải giao bằng được giấy tờ đất. Không đạt được mong muốn, bà Hòa lại đâm đơn đi kiện, hết UBND phường An Phú Đông, rồi lên Tòa án quận 12. Cứ tưởng về già được hưởng cuộc sống an nhàn đến cuối đời cùng con cháu nhưng giờ đây, cuộc sống mỗi ngày của ông Thành gắn liền với những buổi triệu tập lên tòa án giải quyết những vấn đề tranh chấp mà cô em dâu mang lại.
Ông Thành chia sẻ: “Tuổi về già chỉ mong cuộc sống yên ổn bên con cháu, mong sao câu chuyện kiện tụng trong gia đình này sớm chấm dứt. Tôi mong công bằng đến với anh em chúng tôi để giữ lại phần đất của gia tộc”.