Đó là những vụ này được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm túc, đúng quy trình nhưng gây nên bất bình xã hội bởi sự phi lý, thiếu căn cứ xác thực, áp dụng pháp luật tùy tiện. Có thể dẫn ra các vụ gần đây như việc truy tố, bắt giam một dân thường về hành vi “lạm quyền trong thi hành công vụ” tại Nam Sách (Hải Dương) hay vụ 3 thanh niên bị khép tội cướp ở Cái Nước (Cà Mau) khi những chứng cứ ngoại phạm của họ đã quá rõ ràng, thêm nữa có thể kể đến vụ “nhậu xong đi tè bị quy tội cướp” ở Bình Chánh (TP HCM).
Điển hình nhất cho “kỳ quặc án” là vụ hai nông dân ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) bị khép tội nhận hối lộ và phải nhận mức án 7 năm và 8 năm tù. Hai nông dân này giúp bà con làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, đảm bảo cho việc vay nhận, trả lãi cho họ đối với ngân hàng cách đó 30km, đi lại khó khăn. Bà con cảm ơn bằng cách thù lao chút đỉnh tiền xăng xe, đi lại, công sức,... Vì thế, tại phiên tòa, các bị hại (cũng là những người “đưa hối lộ”) ra sức bảo vệ cho bị cáo, nói rõ là họ không viết đơn tố cáo và những bị cáo kia cũng chẳng đòi hỏi họ phải chi tiền mà họ tự nguyện bồi dưỡng mà thôi.
Mức độ kỳ quặc của vụ án này đã nhanh chóng lan tỏa trên các phương tiện truyền thông với nhiều ý kiến của các luật sư, các chuyên gia pháp lý khẳng định việc cáo buộc tội nhận hối lộ đối với hai người không quyền chức này là vô căn cứ. Phiên phúc thẩm mở ra, Tòa án trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra lại. Công an huyện Hàm Thuận Nam sau khi điều tra lại đã ra quyết định đình chỉ vụ án bởi “bị can khai báo thành khẩn, tích cực khắc phục hậu quả”.
Không những thế, còn đẩy mức độ kỳ quặc của vụ án này lên cao hơn khi buộc người nông dân “nhận hối lộ” phải làm đơn “xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” và cam đoan không khiếu nại gì cả. Ai cũng biết đây là chiêu né bồi thường oan sai của những người đã gây ra oan sai, đã khởi tố vụ án, bắt giam người vô tội, đưa họ vào vòng tố tụng với bao khổ ải gian truân cả về sức lực lẫn tinh thần.
Điểm sáng trong đám bụi mù “kỳ quặc án” này chính là diễn biến của phiên tòa phúc thẩm. Chủ tọa đã cẩn trọng lắng nghe, yêu cầu làm rõ những sự phi lý, hủy án sơ thẩm và trả hồ sơ điều tra lại, dẫn đến vụ án buộc phải đình chỉ. Tương tự, như vụ xử 3 thanh niên bị quy tội cướp ở Cái Nước, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa rất điềm tĩnh cân nhắc mọi chứng cứ, tình tiết để trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại và VKSND cùng cấp đã ra quyết định đình chỉ vụ án. Ngành Tòa án rất cần và trọng thị những thẩm phán công tâm, cẩn trọng và có bản lĩnh như vậy để những vụ án kỳ quặc không còn đất diễn!