Báo PLVN số 359 (4.420) ngày 25/12/2010 đăng bài: “Giải quyết như vậy…dân có xuôi?”, phản ánh bức xúc của hàng chục hộ dân tại phường Phước Long A, Quận 9 (Q9) bị thu hồi đất với giá bồi thường quá thấp. Trong khi nguyện vọng của bà con chưa được giải quyết, thì ngày 7/1/2011 Q 9 tiếp tục cưỡng chế…
Bò của nông dân lang thang trên đất bị thu hồi |
Phước Long A là phường nằm ở vị trí đắc địa của Q9, vì gần xa lộ Hà Nội và cửa ngõ phía Đông vào trung tâm TP. HCM. Năm 2004, UBND thành phố tạm giao cho Cty TNHH Xây dựng kinh doanh nhà Bách Giang (Cty Bách Giang) trụ sở tại phường Linh Trung, Q.Thủ Đức làm chủ dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính khu dân cư khu phố 4 tại phường.
Để thực hiện dự án khoảng 50 ha này, Cty Bách Giang đã gặp người dân bị thu hồi đất thương lượng với giá đền bù rất thấp, năm 2007 giá 700.000đ/m2, năm 2010 chốt giá 1.120.000đ/m2, hộ nào không nhận sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất.
Tuy nhiên, bà con không chấp nhận, ông Nguyễn Văn Sang - đại diện các hộ cho biết: “Đất của chúng tôi là đất xen cài khu dân cư, giá thị trường hiện 15 – 20 triệu/m2, đáng lý công ty phải thỏa thuận bằng 40% giá thị trường đất ở, tức khoảng 6 triệu đồng/m2 mới thỏa đáng”.
Mặc cho người dân phản đối, UBND Q9 đã tổ chức cưỡng chế ba đợt thu hồi đất của hơn 10 hộ dân. Gần đây nhất, ngày 7/1/2011 hộ ông Nguyễn Văn Kỳ bị cưỡng chế nhưng do gia đình ông khó khăn về chỗ ở vào dịp gần tết nên hội đồng cưỡng chế cho tạm giữ lại căn nhà đón xuân, còn đất thì bị thu hồi; người dân bức xúc, quận cưỡng chế lấy đất của dân với giá thấp là ưu ái và làm lợi cho doanh nghiệp, trong khi nông dân không biết về đâu khi hết đất canh tác.
Ông Nguyễn Văn Tỳ - đại diện các hộ dân đã bị thu hồi đất cho biết: Cty Bách Giang là công ty tư nhân, đáng lý họ phải thỏa thuận với chúng tôi về giá bồi thường, nhưng họ không thiện chí, thỏa thuận qua loa rồi chờ UBND quận ra quyết định cưỡng chế giao đất cho mình, bỏ mặc người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn do mất đất sản xuất.
Phần lớn bà con gắn bó với ruộng vườn nay đã ba bốn đời, ngoài chăn nuôi trồng trọt ra họ chưa được đào tạo nghề mới để mưu sinh, theo Nghị định 84/2007 và các văn bản qui định về trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất qui định, thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với người dân về giá đền bù, đồng thời thực hiện phương án chuyển đổi nghề cũng như bố trí nơi tái định cư cho người dân… trước khi ra quyết định thu hồi đất.
Thế nhưng, tại dự án này chúng tôi không được Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng Q9 và chủ đầu tư thực hiện như vậy, họ “ép” bà con chấp nhận giá bồi thường quá thấp, rất bất thường.
Một lão nông làm nghề chăn nuôi đã mấy chục năm, chỉ đàn bò đang “lang thang” trong khu đất vừa bị quận thu hồi nói: “Chú nhìn xem, đến cả bò giờ cũng không biết đi đâu về đâu, nhìn những chú bò kiếm ăn giữa xung quanh là nhà cao tầng chúng tôi cảm thấy xót xa cho thân phận mình, mai này chúng tôi sinh sống ra sao?”.
Hàng chục hộ dân có đất bị thu hồi trong dự án nói trên, mong muốn UBND quận 9 và chủ đầu tư xem xét thực hiện đúng qui định của pháp luật, để quyền lợi của người nông dân không bị xâm hại.
Điều 42 Luật Đất đai 2003, Bồi thường, tái định cư: Khu tái định cư …phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Trường hợp thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất mà không có đất để bồi thường cho việc tiếp tục sản xuất thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền, người bị thu hồi đất còn được Nhà nước hỗ trợ để ổn định đời sống, đào tạo chuyển đổi ngành nghề, bố trí việc làm mới… Hồng Cơ