EU và Anh đạt được thỏa thuận về Brexit: Qua cửa ải chính vẫn chưa chắc

(PLO) - Brexit là cụm từ phản ánh sự việc nước Anh ra khỏi EU. Mùa hè năm 2016, cử tri Anh trong một cuộc trưng cầu dân ý trên đảo quốc đã quyết định với đa số sát sao đưa nước Anh ra khỏi EU.
Thủ tướng Anh Theresa May thông báo chính phủ đã thông qua dự thảo thỏa thuận về Brexit trước trụ sở chính phủ số 10 phố Downing, Luân Đôn, ngày 14/11/2018
Thủ tướng Anh Theresa May thông báo chính phủ đã thông qua dự thảo thỏa thuận về Brexit trước trụ sở chính phủ số 10 phố Downing, Luân Đôn, ngày 14/11/2018

Ngày 29/3/2017, Thủ tướng Anh Theresa May đã chính thức thông báo cho EU về quyết định đưa nước Anh ra khỏi EU. Theo quy định chung của EU, thời gian dành cho quá trình đàm phán giữa EU và chính phủ Anh là hai năm. Như thế có nghĩa là từ ngày 29/3/2019, Anh không còn là thành viên EU nữa. 

Sau 17 tháng đàm phán, EU và chính phủ Anh vừa rồi đã đạt được thỏa thuận về xử lý Brexit. Dự thảo thỏa thuận này đã được EU công bố. Nó dày 585 trang, bao gồm 183 điều với nhiều phụ lục và biên bản kèm theo. Một ngày sau đó, dự thảo thỏa thuận đã được chính phủ Anh thông qua. Tiếp đó, nó còn phải được quốc hội Anh phê chuẩn. 

Ở phía EU, mọi dấu hiệu đều cho thấy cuối tháng 11 này sẽ có cuộc cấp cao bất thường để thông qua thỏa thuận, tức là phê duyệt nó về chính trị, và việc ký kết chính thức giữa hai phía sẽ được tiến hành trong tháng 12/2018, sau đó là quy trình phê chuẩn ở các nước thành viên EU.

Lộ trình thời gian này như thế có phần chậm so với kế hoạch ban đầu, nhưng xem ra vẫn còn đủ kịp trước thời điểm ngày 29/3/2019.  Quá trình tiếp theo tuy không hẳn quá khó khăn nhưng cũng không dễ dàng, đặc biệt ở Anh.

Thực hiện thỏa thuận này như vừa được công bố thì nước Anh sẽ ra khỏi EU trên danh nghĩa từ ngày 29/3/2019, nhưng vẫn tham gia Thị trường nội địa và liên minh thuế quan của EU, không còn quyền biểu quyết trong EU nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định của EU cho thị trường nội địa và liên minh thuế quan.

Hai điểm mấu chốt ở đây là Anh không được ký kết với nước thứ ba những thỏa thuận hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại song phương trong khoảng thời gian được coi là quá độ này và thời gian quá độ được tạm xác định là tới 12/2020 nhưng có thể gia hạn.

Mục đích là hai bên có đủ thời gian để đàm phán và thỏa thuận về hiệp định hợp tác kinh tế và thương mại mới. Trên lý thuyết vậy là có khả năng nước Anh vẫn chân trong chân ngoài EU trong thời gian vô định phía trước.

Vấn đề quyền lợi và quy chế pháp lý của khoảng 3 triệu “công dân EU” hiện đang sống và làm việc ở Anh cũng như khoảng 1 triệu công dân Anh hiện đang sống và làm việc ở các nước thành viên EU; cũng như sự thay đổi trong thời gian quá độ kể trên; cũng đã được xử lý ổn thỏa trong dự thảo thỏa thuận. Ở đây, phía EU đã ép buộc chính phủ Anh phải chấp nhận nhượng bộ.

Hai phía thỏa thuận với nhau giải pháp khá phức tạp cho vấn đề liên quan đến Bắc Ireland. Ba phương án được đưa ra ở đây là Anh và Ireland tự giải quyết với nhau, gia hạn thời gian quá độ hoặc cả nước Anh tiếp tục ở trong Liên minh thuế quan của EU. Bắc Ireland vẫn được tham gia Thị trường nội địa EU.

Trong một văn kiện riêng rẽ dày 8 trang, EU và chính phủ Anh thể hiện những định hướng chính trị cho mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai, cụ thể là sẽ đàm phán và ký kết những thỏa thuận hợp tác cần thiết trên mọi lĩnh vực như hàng không, năng lượng, đánh cá, quốc phòng, tư pháp... Đặc biệt là ý định chung về thành lập “Vùng thương mại tự do không có bất kỳ thuế quan, lệ phí, rào cản thương mại hay trở ngại kỹ thuật nào”. 

Vấn đề nghĩa vụ tài chính của phía Anh đối với EU cũng được giải quyết trong dự thảo. Theo đó, phía Anh cam kết thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ mọi nghĩa vụ tài chính trong thời gian là thành viên của EU, kể cả những trách nhiệm tài chính đã cam kết mà thời hạn vượt quá thời điểm nước Anh ra khỏi EU. Số liệu cụ thể không thấy được nêu ra. Chính phủ Anh dự tính khoản đóng góp tài chính này là từ 40,2 - 44,8 tỷ Euro.

Nhìn chung lại có thể thấy phía chính phủ Anh và cá nhân bà May đã phải chịu nhượng bộ cho EU nhiều hơn và cơ bản hơn là được EU nhượng bộ lại. Tuy nhiên cũng lại phải thấy là EU không chủ ý ỷ thế mạnh đẩy chính phủ Anh và bà May vào đường cùng, mà đã có tính đến việc làm sao cho bà May không bị thất bại với việc phê chuẩn dự thảo thỏa thuận ở trong nước.

Ngày 14/11/2018, sau cuộc họp nội các kéo dài 5 giờ, thủ tướng Anh Theresa May thông báo chính phủ đã thông qua dự thảo thỏa thuận về Brexit để trình Quốc hội phê duyệt. Một tờ báo nước ngoài tường thuật: “Không tỏ ra hân hoan, bà thủ tướng bước ra trước phủ thủ tướng ở phố Downing thông báo đã có được sự chấp thuận của nội các. Vẻ mệt mỏi, bà Theresa May trình bày ngắn gọn trong tiếng la ó của một số người phản đối Brexit tập trung cách hàng rào phủ thủ tướng không xa.

Lãnh đạo đảng bảo thủ thừa nhận cuộc thảo luận với các bộ trưởng đã diễn ra “dài và sôi nổi”. Nhưng theo bà May, dự thảo thỏa thuận này là “giải pháp tốt nhất có thể vì lợi ích của toàn thể đất nước”.

Bà nói đến một quyết định “tập thể” của chính phủ chứ không nói quyết định được nhất trí hoàn toàn. Thực vậy, vì sau đó đã có 10 bộ trưởng, tức 1/3 nội các của bà, đã bày tỏ phản đối dự thảo thỏa thuận.  

Khó khăn còn lại bây giờ với bà May là thuyết phục Quốc hội Anh chấp nhận bản dự thảo này. Hiện tại, có vẻ như không có ai hài lòng với văn kiện. Cả hai phe ủng hộ cũng như chống Brexit đều chỉ trích kế hoạch mà theo họ sẽ làm giảm ảnh hưởng của Vương quốc Anh qua việc nằm trong liên minh thuế quan với EU, nhưng lại có những quy định riêng cho Bắc Ailen”. 

Đọc thêm