EVN Hà Nội “mượn uy” chính quyền ép khách hàng?

Lấy cớ việc điện tử hóa hóa đơn tiền điện đã được UBND các quận Cấu Giấy và Hoàn Kiếm “rất ủng hộ”, TCty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đã ép hơn 130.000 khách hàng của mình phải thực hiện chủ trương này kể từ tháng 10/2013.

[links()]Lấy cớ việc điện tử hóa hóa đơn tiền điện đã được UBND các quận Cấu Giấy và Hoàn Kiếm “rất ủng hộ”, TCty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đã ép hơn 130.000 khách hàng của mình phải thực hiện chủ trương này kể từ tháng 10/2013.

Trụ sở EVN Hà Nội
Trụ sở EVN Hà Nội

Áp đặt kiểu độc quyền

PLVN đã phản ánh về những điểm bất hợp lý và nặng tính áp đặt của Cty Điện lực Cầu Giấy (thuộc EVN Hà Nội) đối với khách hàng khi triển khai chủ trương chuyển đổi hóa đơn thanh toán tiền điện từ dạng giấy sang hóa đơn điện tử.

Cụ thể, trước khi làm việc này, người của Điện lực quận Cầu Giấy không hề có sự thăm dò, thỏa thuận mà đến nhà khách hàng “ấn”cho một tờ thông báo, nội dung áp đặt: “Từ 1/10/2013 trở đi, khách hàng sẽ nhận Biên nhận thanh toán tiền điện/Phiếu thu sau khi thanh toán tiền điện, không nhận hóa đơn tiền điện dạng giấy như trước”.

Có nghĩa, từ nay nếu muốn kiểm tra, đối sánh thông tin trên hóa đơn giá trị gia tăng, người dùng điện phải có đủ bộ máy tính nối mạng Internet mới tải được thông tin này từ website của ngành Điện. EVN Hà Nội thực hiện chủ trương theo kiểu như vậy là thiếu tôn trọng khách hàng, thậm chí “phảng phất” tư tưởng độc quyền theo kiểu không chấp nhận, không dùng thì cúp điện, vì ngoài EVN ra người dân không thể dùng điện của ai khác.

Về vấn đề này, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng”. Và luật cũng quy định  thêm: “nếu giao dịch bằng phương tiện điện tử, thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn…”.

Trong trường hợp này, ngành điện không có bất kỳ sự hỗ trợ nào mà ngược lại người dùng điện phải bỏ tiền mua máy tính, trả phí kết nối Internet để… hỗ trợ cho EVN Hà Nội thực hiện việc cắt giảm chi phí, chuyển đổi hóa đơn, trong khi giá điện bán ra thì không hề giảm.

“Mượn uy” chính quyền?

Trả lời PLVN, ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng Ban Kinh Doanh EVN Hà Nội cho biết, trước khi triển khai việc này, UBND các quận Hoàn Kiếm và Cầu Giấy đã có văn bản gửi các phường và các phòng, ban thuộc quận yêu cầu phối hợp với Điện lực thực hiện việc chuyển đổi hóa đơn. “Sở dĩ chọn Cầu Giấy và Hoàn Kiếm để áp dụng chủ trương này là vì ở đây dân trí cao, hạ tầng kỹ thuật của ngành điện tương đối tốt và điều quan trọng là chủ trương này được chính quyền 2 quận rất ủng hộ. Vì vậy, ngành Điện cũng mong nhận được sự đồng thuận của truyền thông, báo chí”.

Chúng tôi ủng hộ việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện và đơn giản hóa một số thủ tục có lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp… nhưng phải có lộ trình và điều quan trọng là phải hài hòa lợi ích của cả hai bên. Nhưng, EVN Hà Nội trong trường hợp này không những không thực hiện quy trình trên mà còn “mượn tay” chính quyền để lý giải cho việc đã ép buộc khách hàng phải thuận theo chủ trương của ngành mình, trong khi chính quyền không phải là người, hàng tháng đứng ra trả tiền điện thay người dân.

Cũng cần nói rõ thêm, trong công văn số 903/UBND-VP ngày 9/9/2013 của UBND quận Cầu Giấy và Công văn số 731/UBND-KT ngày 1/8/2013 của UBND quận Hoàn Kiếm gửi các phòng ban và UBND các phường trên địa bàn 2 quận này không thấy có dòng nào thể hiện sự bắt buộc hay áp đặt như EVN Hà Nội đã thực hiện mà chỉ yêu cầu các cơ quan liên quan “tuyên truyền, hướng dẫn, vận động” nhân dân xung quanh chủ trương này.

Một lần nữa, xin nhắc lại lời của vị đại diện EVN Hà Nội khi nói về lý do lựa chọn Cầu Giấy, Hoàn Kiếm để áp dụng chủ trương trên là do “trình độ dân trí ở đây cao”. Nếu vậy, EVN Hà Nội cần phải ứng xử cho tương xứng với mặt bằng dân trí ở đây, để chứng tỏ mình là doanh nghiệp kinh doanh có văn hóa thay vì ép buộc và coi nhẹ lợi ích khách hàng hơn lợi ích ngành mình.

Giám đốc từ chối, người phát ngôn tắt điện thoại

Là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện điện tử hóa hóa đơn tiền điện tới khách hàng, nhưng Giám đốc Cty Điện lực Cầu Giấy Nguyễn Anh Dũng đã từ chối trả lời phản ánh của khách hàng do PLVN chuyển đến, với  lý do: bận họp, đề nghị gặp người phát ngôn TCty.

PV gọi cho bà Nguyễn Hoàng Anh - phụ trách truyền thông EVN Hà Nội, thì máy tắt. Sau đó, PV phải liên lạc với ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc EVN Hà Nội, rồi ông Phùng Lê Dũng, Chánh Văn phòng EVN Hà Nội, mới thu xếp được cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề này.

Võ Tuấn

Đọc thêm