Theo đó, đại diện EVN cho biết, do tác động của dịch bệnh COVID-19, hiện nay có nhiều dự án điện có liên quan đến các chuyên gia và thiết bị của nước ngoài, nếu dịch bệnh kéo dài, các chuyên gia không thể sang, thiết bị cung ứng chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Đáng lo ngại là nguồn nhiên liệu than trong nước phục vụ phát điện. Do tình hình dịch bệnh dẫn đến rủi ro về sản xuất và cung ứng than, đặc biệt trong lực lượng lao động có người bị nhiễm bệnh phải cách ly. Nguồn than nhập khẩu cũng gặp nhiều khó khăn do có những nước đóng cửa biên giới; phong tỏa khu vực hoặc quốc gia.
Vị đại diện EVN cho biết, ngay trong giải pháp phong tỏa ở một số quốc gia cũng có những mức độ khác nhau, một số nước cấm toàn bộ việc đi lại và đóng cửa các ngành kinh tế không thiết yếu, trong khi đó có nước cấm hoạt động của mỏ than, điều này cũng cũng dẫn tới nguy cơ rủi ro nhất định đối với nguồn than nhập.
“Có thể nói các rủi ro đối với cung cấp than phục vụ phát điện là rất đáng lưu ý do hiện nay ở nước ta, sản lượng phát điện huy động từ nhiệt điện than chiếm tỷ lệ cao. Trong quý I/2020, sản lượng huy động từ nhiệt điện than là 34 tỷ kWh trên tổng sản lượng điện toàn hệ thống 57,3 tỷ kWh, tương đương với tỷ lệ tới 59,3%” - đại diện EVN thông tin.
Trong thời gian vừa qua, mặc dù giá dầu có giảm nhưng giá thành sản xuất điện từ nguồn chạy dầu vẫn rất cao so với giá bán lẻ điện hiện nay.
Ngoài ra, do nước về các hồ thuỷ điện rất thấp (tương ứng thiếu khoảng hơn 5tỷ kWh từ thuỷ điện) nên EVN vẫn phải huy động sản lượng lớn bù lại từ nguồn chạy dầu để đảm bảo yêu cầu vận hành đối với các nguồn thuỷ điện từ nay cho đến hết mùa khô 2020.
Với diễn biến của dịch COVID-19 đang có chiều hướng phức tạp, hiện nay sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng ở mức thấp hơn kế hoạch đặc biệt có một số hộ tiêu thụ điện như kinh doanh, dịch vụ có mức tăng trưởng âm.
Dự kiến sản lượng điện thương phẩm năm 2020 và giá bán điện bình quân sẽ giảm, từ đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính EVN và các Tổng Công ty Điện lực.
Tuy trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng với tinh thần chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh, vì mục tiêu hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, EVN đã có đề xuất giảm giá điện báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành xem xét quyết định.
Bên cạnh đó, EVN đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện thêm cắt giảm chi phí thường xuyên ở mức tối đa, làm việc với các ngân hàng trong nước để giảm lãi suất vay vốn, giãn thời gian đầu tư một số dự án điện chưa thực sự cấp bách.
Đại diện EVN cũng cho biết, để góp phần giảm bớt khó khăn về hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, EVN sẽ kiến nghị Chính phủ và các Bộ Ngành xem xét chỉ đạo giải quyết một số nội dung như chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty (TCty) Đông Bắc cung cấp than liên tục và đầy đủ cho hoạt động sản xuất kinh doanh điện để đáp ứng nhu cầu về điện cho đời sống nhân dân cả nước
Ngoài ra, cần giảm giá than trộn bán cho hoạt động sản xuất điện để phù hợp với tình hình giá than nhập khẩu thực tế so với giá than nhập khẩu và miễn thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước của các đơn vị sản xuất thủy điện với thời gian là 6 tháng, từ tháng 4-10/ 2020.