Fafim Việt Nam sẽ kháng cáo vụ "Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ"

TAND TP Hồ Chí Minh mới xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ” giữa nguyên đơn là Cty TNHH MTV xuất nhập khẩu và phát hành phim Việt Nam (Fafim Việt Nam) và bị đơn là Cty TNHH Thương mại dịch vụ quảng cáo Ảnh Vương (Cty Ảnh Vương). Tuy nhiên, nguyên đơn cho rằng tòa sơ thẩm đã bỏ qua nhiều tình tiết khách quan của vụ án, gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của họ...

TAND TP Hồ Chí Minh ngày 11/9/2012 xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ” giữa nguyên đơn là Cty TNHH MTV xuất nhập khẩu và phát hành phim Việt Nam (Fafim Việt Nam) và bị đơn là Cty TNHH Thương mại dịch vụ quảng cáo Ảnh Vương (Cty Ảnh Vương). Tuy nhiên, nguyên đơn cho rằng tòa sơ thẩm đã bỏ qua nhiều tình tiết khách quan của vụ án, gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của họ...

Không được Tòa chấp nhận vì… bổ sung yêu cầu mới

Đơn kháng cáo của ông Nguyễn Văn Định (đại diện theo ủy quyền của Fafim Việt Nam) cho rằng, nhiều nội dung tại Bản án sơ thẩm ngày 11/9/2012 của TAND TP HCM là không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án và có những sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Cụ thể, tòa sơ thẩm cho rằng Fafim Việt Nam bổ sung yêu cầu mới tại phiên sơ thẩm: yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp với Cty Ảnh Vương về “xâm phạm bản quyền” bộ phim “Hoàng Phi Hồng và Dì Thập Tam” nhưng theo Fafim Việt Nam điều này là thiếu cơ sở và không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án bởi ngay từ khi khởi kiện Cty Ảnh Vương, Fafim Việt Nam đã xác định nội dung khởi kiện là tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi xâm phạm bản quyền của Cty Ảnh Vương gây ra.

Tại nhiều văn bản, Fafim Việt Nam đều xác định nội dung khởi kiện là yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Và để chứng minh, Fafim Việt Nam đưa ra lý do yêu cầu là do hành vi xâm phạm bản quyền của Cty Ảnh Vương với các chứng cứ đó là “Chứng nhận bản quyền” của Chinese Television Culture Enterprise (Đài Loan) ngày 12/6/2006 và “Giấy phép nhập khẩu” số 41/VHP của Phòng quản lý Xuất nhập khẩu văn hóa phẩm ngày 15/1/2008.

Điều đáng nói, đây cũng chính là hai chứng cứ mà Cty Ảnh Vương dùng làm cơ sở để khởi kiện Cty Phượng Tùng vi phạm bản quyền của Cty Ảnh Vương tại thời điểm năm 2008. Trong đơn khởi kiện của mình, Fafim Việt Nam đã xác định rõ hành vi dùng hai chứng cứ là “Chứng nhận bản quyền” ngày 12/6/2006 và “Giấy phép nhập khẩu” ngày 15/1/2008 của Cty Ảnh Vương khởi kiện Cty Phượng Tùng đã xâm phạm đến quyền tài sản hợp pháp là bản quyền bộ phim “Hoàng Phi Hồng và Dì Thập Tam” của Fafim Việt Nam, gây thiệt hai nghiêm trọng.

Đại diện Fafim Việt Nam bức xúc: “Việc tòa sơ thẩm bóc tách nội dung khởi kiện và cho rằng Fafim Việt Nam khởi kiện yêu cầu Cty Ảnh Vương bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do Cty Ảnh Vương có hành vi khởi kiện Cty Phượng Tùng để bác yêu cầu của Fafim Việt Nam là phiến diện. Bên cạnh đó, tòa sơ thẩm cho rằng Fafim Việt Nam bổ sung yêu cầu mới là chưa xem xét toàn diện yêu cầu khởi kiện cũng như những căn cứ và cơ sở của việc yêu cầu của Fafim Việt Nam”.

Có sử dụng chứng cứ giả mạo?

Trong đơn kháng cáo của mình, Fafim Việt Nam còn cho biết Cty Ảnh Vương trước đó đã sử dụng hai chứng cứ: “Chứng nhận bản quyền” ngày 12/6/2006 và “Giấy phép nhập khẩu” số 41/VHP ngày 15/1/2008 để khởi kiện Cty Phượng Tùng vi phạm bản quyền của Cty Ảnh Vương.

Tuy nhiên, Fafim Việt Nam khẳng định “Chứng nhận bản quyền” mà Cty Ảnh Vương cung cấp là “Chứng nhận bản quyền” giả mạo; “Giấy phép nhập khẩu” mà Cty Ảnh Vương có là do hành vi nhập khẩu trái phép, không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Fafim Việt Nam cho rằng, yêu cầu hoãn phiên tòa lần 2 để xác minh, làm rõ hai chứng cứ “Chứng nhận bản quyền” và “Giấy phép nhập khẩu” là yêu cầu hợp pháp và chính đáng của Fafim Việt Nam nhưng không hiểu vì sao lại không được Tòa chấp nhận?.

Cũng theo Fafim Việt Nam, tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù Fafim Việt Nam đã đưa ra những cơ sở chứng minh cho yêu cầu Cty Ảnh Vương bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là hành vi sử dụng “Chứng nhận bản quyền” giả mạo và “Giấy phép nhập khẩu” trái phép.

Thêm vào đó, tại phiên tòa, ông Lý Quốc Oai là người làm chứng theo yêu cầu của nguyên đơn (ông Oai cũng là đại diện cho Cty Cine-Century Company Hong Kong - đơn vị có bản quyền bộ phim “Hoàng Phi Hồng và Dì Thập Tam”) xác nhận không bán bản quyền bộ phim “Hoàng Phi Hồng và Dì Thập Tam” cho Cty Ảnh Vương và bộ phim “Hoàng Phi Hồng và Dì Thập Tam” là do Trung Quốc sản xuất, chỉ bán cho Cty Khổng Thị - Hồng Công mà không bán cho đơn vị nào khác (ông Oai mua bộ phim trên của Cty Khổng Thị - Hồng Công, qua tư cách đại diện Cine-Century Company Hong Kong để bán bộ phim này cho Fafim Việt Nam).

Theo Fafim Việt Nam, rõ ràng Cty Ảnh Vương đã có những hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền tác giả của nhưng Tòa lại không xem xét đến tình tiết này? Mặt khác, hành vi trên của Cty Ảnh Vương đã dẫn đến thiệt hại đối với Fafim Việt Nam trên thực tế số tiến 710 triệu đồng, bởi lẽ khi Cty Ảnh Vương khởi kiện Cty Phượng Tùng tại tòa án, đồng thời gửi văn bản đến đài truyền hình thông báo việc Cty Phượng Tùng vi phạm bản quyền bộ phim “Hoàng Phi Hồng và Dì Thập Tam” thì sau đó Cty Phượng Tùng và một cty khác đã hủy các hợp đồng mua bán phim trước đó với Fafim Việt Nam.

Do vậy, Fafim Việt Nam cho rằng có đủ căn cứ để buộc Cty Ảnh Vương bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật xâm phạm bản quyền bộ phim “Hoàng Phi Hồng và Dì Thập Tam” của Fafim Việt Nam.     

Tại Bản án sơ thẩm 1382/2012/KDTM-ST ngày 11/9/2012, TAND T.P Hồ Chí Minh đã quyết định tiếp tục tiến hành phiên tòa, không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên tòa lần 2, không giải quyết phần nội dung yêu cầu bổ sung tại phiên tòa của Fafim Việt Nam yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp với Cty Ảnh Vương (tên hiện nay là Cty Cổ phần TM SX DV quảng cáo Ảnh Vương) về “xâm phạm bản quyền” bộ phim “Hoàng Phi Hồng và Dì Thập Tam”; đình chỉ giải quyết yêu cầu của Fafim Việt Nam, yêu cầu công nhận bản quyền bộ phim “Hoàng Phi Hồng và Dì Thập Tam” là của Fafim Việt Nam; không chấp nhận yêu cầu của Fafim Việt Nam, yêu cầu Cty Ảnh Vương phải bồi thường “thiệt hại ngoài hợp đồng” là 710 triệu đồng do Cty Ảnh Vương khởi kiện Cty Phượng Tùng tranh chấp bản quyền và thông báo tới Đài truyền hình Bình Dương. 

Ngọc Tình

Đọc thêm