Ra tay trong cơn “phê đá”
Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) đang tạm giữ Nguyễn Thiên Ân (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) về hành vi cố ý gây thương tích.
Rạng sáng 17/2, Ân đi ra ngoài "đập đá" với bạn bè rồi về nhà ngủ. Đến khoảng 0 giờ 30 sáng 17/2, bà Thơm từ trên lầu xuống nhà mở đèn đi vệ sinh, thấy vậy Ân bực bội tắt đèn; khi bà Thơm mở đèn lại và đi ra ngoài mở khóa cửa nhà thì bị Ân đánh.
Sau đó, giữa Ân và bà Thơm xảy ra mâu thuẫn nên Ân đi theo dùng ổ khóa cửa đánh liên tiếp nhiều cái vào đầu mẹ. Bà Thơm được người thân, hàng xóm phát hiện đưa đi cấp cứu trong tình trạng sốc đa chấn thương, vết thương vùng đầu mất nhiều máu.
Để tìm hiểu sự việc, ngay trong ngày 19/2, chúng tôi tìm đến nhà bà Thơm sinh sống. Những người dân trong con hẻm nhỏ vẫn bàn tán xì xào về vụ việc, hầu như ai cũng tỏ ra bức xúc trước những gì mà tên Ân hành xử với người mẹ nuôi của mình.
Một người phụ nữ bán nước ở gần hiện trường kể: “Hôm đó khuya lắm rồi, tôi đang nằm ngủ thì nghe tiếng có ai kêu la gì đó. Đến lúc mở cửa chạy ra thì thấy nhiều người tập trung trước cửa nhà bà Ân. Mong là lần này công an bắt nó giam mấy năm, cho nó thay đổi”.
Theo lời kể của những người hàng xóm, Ân vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi lọt lòng, được bà Thơm nhặt về nuôi, yêu thương như con ruột. Khi còn là một đứa trẻ, Ân tỏ ra hiền lành ngoan, ngoãn nhưng khi mới lớn lên, bị bạn bè xấu rủ rê nên sớm sa ngã nghiện ma túy.
Ân từng bị công an phường nhiều lần giáo dục, xử phạt nhưng vẫn chứng nào tật nấy, không chịu thay đổi rồi bị đi tù về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Trong thời gian nghiện ngập, Ân bị nhiễm HIV/AIDS.
Cũng theo lời kể, sau khi ra tù, dù đã có vợ nhưng Ân vẫn sống bám lấy bà Thơm. Từ nghiện heroin, vài năm gần đây Ân chuyển sang nghiện ma túy đá dẫn đến thần kinh không bình thường.
Nhiều lần Ân đánh chửi bà Thơm, tuy nhiên vì thương con nên bà Thơm nhẫn nhịn và không trình báo chính quyền địa phương. “Thậm chí chúng tôi nói xấu Ân mà bà ấy biết được là bà ấy không vui, thậm chí nghỉ chơi với chúng tôi luôn” - những người hàng xóm cho biết.
Ân tại cơ quan điều tra |
Tình yêu thương đặt nhầm chỗ
Kể về hoàn cảnh của bà Thơm, bà Nguyễn Thị M (75 tuổi, chị họ của bà Thơm) cho biết, bà Thơm là con thứ tư trong gia đình gia giáo người gốc miền Nam. Bà từng là giáo viên một trường tiểu học ở gần nhà và về hưu đã được hơn chục năm nay nhưng vẫn tiếp tục nhận dạy học thêm.
Theo lời kể của bà M thì bà Thơm nhận Ân làm con nuôi chỉ là hành động nhất thời thương xót trong hoàn cảnh oái oăm. Hơn 36 năm trước, trong một lần đi dạo chơi ở Sở thú Sài Gòn, bà Thơm nghe thấy tiếng khóc của một đứa trẻ phát ra từ trong bụi rậm.
Bà đưa mắt nhìn quanh để tìm người thân cho đứa trẻ, rồi bế nó quanh Sở thú xem có ai lạc con hay không. Lòng vòng hết gần nửa ngày, ngồi chờ vẫn không thấy ai đến nhận con, bà Thơm mới đoán có lẽ đứa trẻ này bị cha mẹ ruồng bỏ, đem tới đây đặt.
Người phụ nữ bế đứa trẻ tìm đến nhà thờ, xin các sơ nhận nó vào nuôi dưỡng. Dù thương xót, nhưng hoàn cảnh các sơ cũng khó khăn trăm bề, nên không dám nhận nuôi. Hơn nữa, biết bà Thơm còn độc thân, không vướng bận gia đình nên các sơ vừa khuyên, vừa năn nỉ bà nhận Ân về nuôi.
Nghe vậy cũng xuôi tai, lại thương đứa trẻ bất hạnh, người phụ nữ nhận nó làm con nuôi, đặt hết kỳ vọng, tình thương của mình vào cái tên Nguyễn Thiên Ân của đứa con. Và từ đó, cuộc sống của bà dường như đã bước sang một trang mới với tình thương, trách nhiệm, dành hết những điều tốt nhất cho con nuôi.
Là giáo viên, nên bà kèm cặp dạy dỗ con từng ly từng tý về việc học hành cho đến lễ giáo ứng xử. Dẫu đứa trẻ được giáo dục trong môi trường tốt, nhưng tính cách lại phát triển trái ngược. Nguyễn Thiên Ân càng lớn càng ngỗ ngược, khó bảo, khiến bà Thơm đau đầu.
“Bắt đầu lên học cấp hai, thằng Ân đua đòi theo bạn bè xấu bỏ học ăn chơi lêu lổng, rồi dính vào ma túy lúc nào không biết. Cố gắng theo học, nhưng cũng chỉ lên đến lớp 11 là nó bỏ ngang. Từ đó, nó ngày một hư hỏng, bỏ đi ăn chơi theo kiểu bất cần đời. Trong nhà dì tư có gì đáng giá là nó đem đi bán hết để lấy tiền mua thuốc” - bà M cho hay.
Cũng theo lời bà M thì Ân đã từng lập gia đình, nhưng trong quãng thời gian anh đi tù người vợ đã dứt áo ra đi theo người đàn ông khác. Dù cần tiền tiêu xài, mua ma túy song Ân không chịu làm bất cứ việc gì, chỉ biết “há miệng chờ sung” vòi tiền bà Thơm.
Bà buồn rầu tâm sự tiếp: ““Đợt trước tết, tôi gặp dì tư Thơm, hỏi thăm thằng Ân dạo này sao rồi? Dì ấy còn cười nói khoe bảo “nó hết nghiện rồi”. Thơm thương thằng Ân quá, chiều chuộng nó từ nhỏ đến giờ. Đấy cũng là một phần nguyên nhân làm Ân ỷ lại vào mẹ, rồi ngày một hư hỏng.
Bị nó đối xử tệ bạc, nhưng lúc nào Thơm cũng hết lời bênh vực, chỉ khoe điều tốt. Hễ nghe ai bàn tán nói xấu con mình là nó lại tỏ vẻ không bằng lòng, cho rằng người ta không tốt, ghét bỏ con mình. Nhiều khi chị em trong nhà góp ý, tâm sự cũng chỉ vì muốn tốt cho thằng Ân. Thế mà Thơm tỏ ý là “đừng có xen vào chuyện nhà tôi”.
Đến mức công an khu vực phải theo dõi, khuyên răn thằng Ân để nó không tái nghiện, đi theo bọn xấu. Thế mà dì Thơm cũng không bằng lòng, một mực bênh vực con dù nó có làm gì sai. Biết tính nó thế nên chúng tôi không can thiệp sâu vào chuyện mẹ con nó”./.