Cuộc giải cứu muộn màng
Khoảng 20h ngày 8/5, Nguyễn Văn Thương (SN 1981, trú tại thôn 2B, xã Hoà Tiến, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), nổi cơn tâm thần, vác xà beng tấn công mẹ đẻ là bà Đặng Thị Cúc (SN 1937).
Nghe tiếng kêu cứu của bà cụ, người hàng xóm Nguyễn Tình (SN 1957) lao sang, tước hung khí trên tay kẻ thủ ác, lập tức khống chế đối tượng giao cho công an, nhưng cuộc giải cứu không kịp cứu vãn hậu quả vụ án.
Do vết thương quá nặng, bà cụ được chuyển ngay lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, đến khoảng 2h sáng 9/5, cụ bà đã trút hơi thở cuối cùng.
Nhớ lại phút đối đầu nghẹt thở trên, ông Tình chia sẻ: “Khi nghe bà Cúc hét thất thanh, tôi biết có chuyện không hay nên đánh liều bước vào. Ngày xưa tôi có thời gian học võ trong chùa, có chút kinh nghiệm, nên mới kịp né tránh đòn tấn công của Thương.”.
Trao đổi với XLPL về vụ việc, ông Hồ Duy Khánh, Phó trưởng công an xã Hoà Tiến cho biết: “Khi nhận tin báo, chúng tôi lập tức tới hiện trường, hỗ trợ gia đình đưa nạn nhân đi cấp cứu, đồng thời khống chế hung thủ đưa lên Bệnh viện tâm thần tỉnh.
Nạn nhân bị con trai dùng xà beng đánh hai nhát, một nhát trúng ngực, một nhát trúng ngay đỉnh đầu. Gia đình nạn nhân thuộc diện kinh tế khó khăn, Thương có nhiều biểu hiện bất thường về thần kinh, thường chửi bới lung tung, gây náo loạn xóm làng”.
Ông Tình diễn lại thế võ không chế, quật ngã hung thủ. |
Hung thủ thích trộm đồ nghĩa địa
Ngồi trầm ngâm sau đám tang, anh Nguyễn Thành Tiên (SN 1988, cháu ngoại nạn nhân) chia sẻ: “Khi tôi đến, bà đã nằm bất tỉnh. Tại bệnh viện tỉnh, bác sĩ nói đầu bà bị đập nát, xương vỡ vụn nên không phẫu thuật được.
Biết cậu bị bệnh, nhiều lần chúng tôi khuyên bà dọn về nhà con cháu ở, nhưng vì thương cậu nên bà không chịu đi. Bình thường bà biết tính cậu nên luôn tìm cách né tránh, không ngờ cậu lén gây án khiến bà không kịp tránh”.
Tiếp tục câu chuyện, anh Nguyễn Khắc Minh (SN 1971, anh trai thủ phạm) cho biết, trước đây Thương hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên từ năm 2004, không hiểu vì lý do gì, người đàn ông này lại thay tính đổi nết.
Mỗi khi trời nắng nóng, anh lại cáu gắt, nói nhảm, có nhiều biểu hiện bất thường về thần kinh. Gia đình đã đưa Thương đi điều trị nhiều nơi không khỏi.
Anh Minh kể: “Thương là con út trong gia đình. Năm 2001, em tôi cưới vợ rồi vào rẫy cách nhà khoảng 10km để ở. Khi sinh đứa con thứ hai thì em phát bệnh phát bệnh.
Có đêm em thức giấc, cởi hết quần áo rồi vừa chạy vừa hô có người truy sát. Có lẽ em làm lụng nhiều nhưng vẫn nghèo khó cực khổ nên nghĩ quẩn hóa điên”.
Cuối năm 2014, một lần phát bệnh, hung thủ đạp xe lên núi “cố thủ” mấy ngày liền. Khi đói, Thương xuống nghĩa địa gần đó lấy đồ cúng lên ăn, lấy thuốc lá lên hút.
Đêm đến Thương lại hú vang vọng núi khiến người dân xung quanh mấy khiếp vía vì không biết chuyện gì. Khi người nhà lên núi, phát hiện Thương chất rất nhiều củi, đồ ăn, lọ hoa lấy từ nghĩa địa.
Bị người thân bắt về, Thương ra “yêu sách”, buộc mọi người phải đem hết những đồ đạc này về nhà theo mình thì mới chịu.
Từ đó trở đi, Thương thường xuyên lui tới nghĩa địa, lấy vòng hoa và nhiều thứ khác đem về chất đầy nhà. “Không biết em lấy lọ hoa về làm gì. Riêng mấy vòng hoa, em tháo dây ra, chăng khắp vườn để làm giàn bầu.
Điều lạ là từ đó bất chấp đặc điểm bầu không ra quả bốn mùa; nhưng trong vườn nhà em tôi, quanh năm suốt tháng lúc nào bầu cũng có trái”, người anh trai cho biết.
Ngoài tâm tính dị thường, Thương còn là người nghiện rượu. Thần kinh bất thường, cứ rượu vào là Thương lại lên cơn, đi loanh quanh chửi bới, bà con xóm giềng chẳng ai được yên. Dần dần các quán trong địa phương chẳng ai bán rượu cho người đàn ông này, Thương tìm đến những vùng khác để mua rượu, uống say và quậy phá.
Ông Phan Văn Thơm (SN 1968, chủ một quán tạp hoá trong vùng), kể: “Trong vùng này không ai dám bán rượu cho Thương. Cứ say là cậu ấy lại đi loanh quanh chửi bới, rồi trở về chửi bới người làng, đánh đập người nhà”.
Dù đã ly thân hơn một năm nay, chị Nguyễn Thị Quyên (vợ hung thủ) cùng hai con nhỏ vẫn thường xuống thăm nom, theo dõi tình hình của chồng. Có mặt trong đám tang mẹ chồng, chị Quyên khóc nức nở, kể lại thời gian sống chung với người chồng tâm thần:
“Ngày trước anh ấy chăm chỉ lắm, suốt ngày chỉ biết làm việc, không hề nhậu nhẹt gì. Thế nhưng khi phát bệnh, anh ấy không lo làm, mà ham rượu, lại sống ru rú trong nhà. Mỗi lần lên cơn, anh ấy lại nép một góc, chờ tôi về là đánh vào đầu.
Đến bây giờ tôi cũng không nhớ rõ mình bị bao nhiêu trận đòn, đầu may bao nhiêu mũi nữa. Sợ gặp nguy hiểm đến tính mạng, tháng 2/2014, tôi quyết định đưa hai con nhỏ về nhà mẹ đẻ sinh sống”./.