(PLO) - Hôm nay (22/2 – tức mùng 4 âm lịch), mặc dù trời mưa nhỏ nhưng vẫn có hàng vạn người dân thập phương đổ về lễ hội chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để chẩy hội, cầu tài lộc trong năm mới.
Chùa Phật Tích, tên chữ là “Vạn Phúc tự”, nằm ngang trên núi Tiên Du (còn gọ là Lạn Kha) nay thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Chùa Phật Tích giữ vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, là nơi có dấu ấn đầu tiên của Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào nước ta. Sách cổ kể về câu chuyện nhà sư người Ấn Độ Khâu Đà La vào thế kỷ thứ II sau Công nguyên tới lập am tu hành tại núi Phật Tích, dùng mật chú cầu mưa thuận gió hòa cho người Việt, cho thấy chùa Phật Tích ngay từ đầu Công nguyên đã nằm trong địa bàn diễn ra cuộc gặp gỡ của Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng bản địa.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1948, chùa Phật Tích bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại pho tượng phật A di đà bằng đá xanh ngàn năm tuổi, hiện nay là một báu vật của Quốc gia. Hai hàng linh thú bằng đá bao gồm Sử tử, voi, tê giác, trâu, ngựa và những chạm khắc trên chân tảng, những di vật còn lại của ngôi chùa cổ xưa cho thấy dáng dấp của văn hóa cung đình ở vùng đất địa linh. Vườn tháp đá cổ xưa với hơn 40 ngọn tháp ghi lại dấu ấn của tổ tổ truyền thừa, của một trốn trùng lâm phật đạo.
Ngày nay, trong không khí đổi mới của quê hương đất nước , chùa Phật Tích được xác định là một công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng, một di tích quan trọng có giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng, cảnh quan và tiềm năng du lịch. Từ năm 2008, Nhà nước đã phê duyệt dự án phục hồi, tôn tạo chùa Phật Tích, ngoài ra các hạng mục khác trong khu di tích cũng đã được tôn tạo như nhà Tổ đệ nhất, nhà mẫu, nhà tăng, xây dựng tượng phật A di đà trên đỉnh núi với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, trong quá trình thi công trùng tu, tôn tạo chùa Phật tích đã làm xuất lộ móng tháp thời Lý được xây bằng gạch tại nền cấp 2.
Sự hiện diện dấu tích này cho thấy cấu trúc của chùa Phật Tích thời xưa rất khác với các ngôi chùa Phật Tích sau thời Lý. Dưới thời Lý, Phật Tích có quần thể kiến trúc với quy mô to lớn bao gồm chùa, tháp, hệ thống tượng thú và các công trình khác, trong đó công trình tháp Phật có thể nằm ở vị trí phía sau chùa. Như vậy, đây là một kiểu bình đổ rất riêng của Phật Tích.
Hiện nay, trên đỉnh núi Phật Tích đã được xây dựng tượng phật A di đà và tháp chuông rất to lớn và vững chãi. Nằm trên sườn núi, xung quanh là rừng cây và khu dân cư trù mật, chùa Phật Tích xưa và nay vẫn là một trung tâm Phật giáo thịnh vượng, một di sản văn hóa quý giá đồng thời cũng là nơi thu hút đông đảo khách thập phương xa gần về thăm quan thưởng ngoạn.
Sau đây là những hình ảnh phóng viên ghi nhận được tại chùa lễ hội Phật Tích xuân Ất Mùi:
|
Ngay từ sáng sớm đã có hàng triệu người dân thập phương đổ về chẩy hội. |
|
Đường lên tam bảo chật ních người. |
|
Ai cũng vui vẻ, háo hức. |
|
Ai cũng thành tâm khấn vái, mong muốn một năm an lành, may mắn. |
|
Người chơi trò chơi... |
|
Người ngồi nghe hát quan họ. |
|
Già, trẻ, trai, gái đều thành tâm đi lễ. |
|
Nhiều mặt hàng ăn uống đa dạng. |
|
Rút quẻ đầu năm. |
|
Mua đồ lưu niệm. |
|
Nhiều người lên đỉnh núi để du xuân chẩy hội./. |