Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã gieo bao đau thương, tang tóc đối với nhân dân ta. Nhưng với truyền thống nhân đạo từ ngàn xưa, nhiều phi công Mỹ khi đến gây tội ác bị bắn rơi máy bay, bị bắt sống, nếu bị thương vẫn được người dân tận tình cứu chữa.
Một trong những hình ảnh cao đẹp đó là câu chuyện nữ y tá Nguyễn Thị Luẫn (ngụ thôn 2 Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cứu chữa cho đại úy phi công Mỹ Grap (Grubb Wilmer Newlin) khi bị các lực lượng phòng không ở Xuân Sơn, Bố Trạch bắn hạ máy bay rơi xuống Lèn Ha ngày 26/1/1966.
|
Bức ảnh nữ y tá cứu chữa giặc lái Mỹ |
Bốn mươi năm mới nhìn lại mình trong ảnh
Cố nhà báo Trọng Thanh, lúc bấy giờ là phóng viên của Việt Nam thông tấn xã đang tác nghiệp ở Quảng Bình, tình cờ có mặt lúc bà Nguyễn Thị Luẫn đang cứu chữa cho phi Công Mỹ. Ông đã chụp rất nhiều ảnh.
Hình ảnh “người phụ nữ Việt Nam làm từ thiện cho kẻ đi gieo tội ác” ông ghi lại được đăng trên nhiều báo, tạp chí trong và ngoài nước được dư luận thời bấy giờ đánh giá rất cao. Thế nhưng, nhân vật chính - người y tá năm đó chưa khi nào nhìn được ảnh mình.
Năm 2006, một người bà con làm công tác văn hóa ở thành phố Đồng Hới vô tình phát hiện thấy ảnh bà Luẫn trong tập tư liệu của một kho lưu trữ đã ẩm mốc, anh chụp lại mang lên quê tặng bà.
“Sau 40 năm, mới được nhìn thấy hình ảnh mình đang cứu chữa cho tù binh phi công Mỹ, tôi không cầm được nước mắt”, bà Luẫn xúc động nói.
Kể về chiến công ngày ấy, mắt bà Luẫn bỗng sáng lên, nói “trong lòng như đang có ngọn lửa”. Bà mở tủ, lấy ra tấm ảnh ghi lại những phút giây hào hùng của mình, lời kể sôi nổi như chuyện mới xảy ra hôm qua.
Đó là giữa trưa mồng 6 Tết năm Bính Ngọ, một tốp máy bay Mỹ bay đến đánh phá bến phà Xuân Sơn trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Pháo phòng không nổ dậy trời. Một máy bay bốc cháy, đâm sầm xuống phía tây núi đá Phong Nha thuộc khu rừng Phong Nha – Kẻ Bàng.
Một cánh dù đỏ từ từ rơi xuống giữa trập trùng dãy núi đá vôi. Dân quân du kích bèn vượt sông Son, chia thành nhiều mũi, tiến lên núi vây bắt giặc lái. Khoảng 2 tiếng sau, tên phi công bị tóm khi đang ẩn nấp trước một hang nhỏ, tay lăm lăm súng và bộ điện đài đang đợi đồng đội đến giải cứu.
Giặc lái Mỹ tên là Grap (Grubb Wilmcr Newlin) nhanh chóng được giải từ trên núi xuống. “Ống quần chân trái chỗ đầu gối của anh ta bị rách toạc, máu chảy đầm đìa. Có lẽ do va chạm với cây cối, đá núi khi rơi xuống nên anh ta đã bị thương”, bà Luẫn hồi ức.
Khi Grap được dẫn giải về làng, nhiều người dân hừng hực nỗi căm thù, hò hét vác rựa, gậy gộc ra, lao vào kẻ đã hại chết cả gia đình mình. Dân quân lập tức cản lại, không cho ai hành hung tù binh Mỹ.
Cũng như người dân trong làng, lòng căm thù tên giặc lái như ngọn lửa thiêu đốt tâm can bà Luẫn. Thế nhưng, là y tá của lực lượng dân quân xã, bà Luẫn vẫn làm tròn trách nhiệm của một người quân y. Bàn tay dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam nhẹ nhàng lau từng vết máu cho Grap, sát trùng vết thương bằng cồn 900.
“Thời kỳ đó, thuốc men quý hiếm lắm, nhưng tui không quên tiêm một ống thuốc giảm đau và một ống thuốc trợ sức cho anh ta”, bà Luẫn nhớ lại.
Vợ chồng cùng được cấp giấy khen
Một trong hai người tiếp cận để bắt sống Grap là ông Hồ Văn Khuyên (SN 1938), lúc bấy giờ là dân quân xã. Ông Khuyên cùng đồng đội của mình là Nguyễn Văn Quỳnh, sau khi trèo lên hết độ dốc của núi đá tai mèo, lần mò từng hốc đá, lùm cây, phát hiện được Grap.
|
Y tá Nguyễn Thị Luẫn của ngày hôm nay |
Trườn bò đến chỗ ẩn nấp, bằng một thế võ, ông Khuyên bất ngờ xông lên đánh văng súng lục trên tay địch. Ông Quỳnh lập tức ập đến xiết hai tay đối phương ra sau lưng, trói lại, dẫn xuống núi.
Sau chiến công bắt sống và cứu chữa phi công Grap, ông Khuyên và bà Luẫn được huyện đội cấp giấy khen. Tình yêu của hai người bắt đầu nảy nở.
Tuy nhiên, do bà Luẫn có nhiều đối tượng “nặng ký” theo đuổi, ông Khuyên buồn lòng, mặt cảm, cố tình né sang một bên. Đầu năm 1972, để tránh xa người con gái đã làm “héo hon” trái tim mình, ông tình nguyện tham gia chiến đấu ở chiến trường đường 9 - Khe Sanh.
Thế nhưng người con gái xinh đẹp từng cứu chữa phi công Mỹ ở Phong Nha ngày ấy vẫn sắt son một tình yêu. Ngày ông Khuyên lên đường vào Nam, bà viết vội mấy chữ: “Anh đi mạnh giỏi, em chờ” và bỏ vào chiếc khăn tay mới mua, dúi vào tay ông.
Năm 1975, ông ra quân. Năm sau họ làm lễ cưới, kết thúc quãng ngày thử thách và đợi chờ suốt 10 năm ròng rã. Lúc này ông Khuyên 38 tuổi, bà Luẫn tuổi 31.
Ánh mắt lấp lánh niềm vui, bà Luẫn hồ hởi cho biết, giữa năm 2013, cháu ngoại của phi công Grap, khi đến tham quan hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, đã tìm đến nhà thăm vợ chồng bà Luẫn.
Sau khi hỏi han, tặng quà, người cháu của Grap cho biết, ông Grap đã qua đời, hài cốt chôn ở nghĩa trang quân nhân trong thành phố. Gia đình cử anh đến Quảng Bình để tìm và tỏ lời biết ơn ân nhân ngày xưa đã cứu chữa ông mình.
49 năm đã qua, nhưng gia đình ông bà Nguyễn Thị Luẫn cũng như người dân Sơn Trạch , Bố Trạch, Quảng Bình vẫn vô cùng tự hào mỗi khi nhắc đến chiến công bắt sống và cứu chữa phi công Mỹ ngày ấy./.