Nỗ lực vượt qua những khó khăn ban đầu
Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy tuyến biên giới miền Tây Nghệ An và những địa bàn giáp biên giới, tháng 3/2005, Phòng Phòng chống tội phạm ma túy (PCTPMT) Bộ đội Biên phòng Nghệ An được thành lập.
Những ngày đầu mới thành lập Phòng PCTPMT gặp nhiều khó khăn, thử thách trong bối cảnh các đối tượng buôn bán ma túy với nhiều chiêu thức tinh vi, liều lĩnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao phó, bộ máy được kiện toàn, lực lượng trinh sát được đào tạo bài bản, tinh nhuệ hơn so với trước kia. Từng bước, lực lượng đã xây dựng trưởng thành, nhiều chiến công, nhiều chuyên án đấu tranh ma túy được triệt phá trên đất Việt Nam cũng như tại vùng biên giới Việt – Lào.
Để phá một chuyên án ma túy, ngoài việc trinh sát bằng biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hoạt động của các đối tượng, thì việc chọn thời điểm phá án cũng hết sức quan trọng. Đã có biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu của các chiến sỹ đổ xuống để có thể đưa được những đối tượng sừng sỏ về quy án.
“Thời gian đầu lực lượng còn non trẻ, biên chế ít, điều kiện phương tiện, trang bị kỹ thuật chưa hiện đại, trong khi đó, kẻ thù lại liều lĩnh, tinh vi, lắm thủ đoạn và sẵn sàng “sống mái” khi bị lộ…”, Đại tá Nguyễn Trường Thi, Trưởng Phòng PCTPMT BĐBP Nghệ An tâm sự.
Đại tá Nguyễn Trường Thi. |
Những đối tượng trong các đường dây vận chuyển buôn bán ma túy là những kẻ liều lĩnh, sinh sống tại các địa bàn biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, dân cư thưa thớt. Điều kiện về địa lý, thời tiết, khí hậu, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán… cũng gây không ít khó khăn cho anh em. “Thời tiết vùng biên giới nắng mưa thất thường, có khi sáng nắng chiều mưa, địa hình phức tạp, phải di chuyển bằng đi bộ. Mọi liên lạc cũng bị cắt đứt vì địa hình núi đồi cản trở…”, Đại tá Thi cho biết thêm.
Những chiến công xuất sắc
Trong 10 năm qua nhiều chuyên án được Phòng PCTPMT Biên phòng Nghệ An triệt phá, một số chuyên án lớn như: đường dây vận chuyển ma túy do Vừ Tồng Chò (SN 1991, trú tại Sầm Tớ, Hủa Phăn, Lào) cầm đầu, lập thành điểm tập kết bán ma túy công khai cho con nghiện. Chúng dựng lán trại và bố trí người canh phòng cẩn mật, có sử dụng vũ khí nóng và sẵn sàng nổ súng khi phát hiện người lạ.
Cuộc đấu súng trong đêm mưa trên đỉnh Pùng Ngua (huyện Quế Phong, Nghệ An) vào tháng 5/2009 đã bắt giữ được kẻ cầm đầu, thu 17,5 bánh heroin, 2 khẩu súng quân dụng cùng 28 viên đạn, 2 quả lựu đạn, nhiều ngoại tệ…
Cũng vào tháng 5/2010, đối tượng Và Phả (SN 1982, trú tại Mường Pẹt, Xiêng Khoảng, Lào), Lầu Giông Xử (SN 1968, Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An, di cư trái phép sang Lào), Và Thông (SN 1980, trú tại Mường Pẹc, Xiêng Khoảng, Lào) bị Biên phòng Nghệ An bắt giữ khi đang “cõng” 28 bánh heroin từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ.
Hay như chuyên án bắt giữ “sói đen” Mùa Bá Tu (SN 1985, trú tại xã Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An) vào tháng 8/2012, khi đang vận chuyển 22 bánh heroin cùng 12.000 viên ma túy tổng hợp từ Lào vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch.
Hai chiến công xuất sắc được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì về thành tích liên tiếp trong hai ngày 9 và 10/5/2014, Phòng PCTPMT và Đồn BP Thông Thụ, BĐBP tỉnh Nghệ An đã phối hợp Công an huyện Sầm Tớ (tỉnh Hủa Phăn Lào) đấu tranh phá hai chuyên án 331LV và 332LV. Hai chuyên án này đã bắt giữ được 6 đối tượng; thu 34 bánh hêrôin (13kg); 2.170 viên MTH; 10 gam thuốc phiện; 1 khẩu súng CKC; 20 viên đạn; 1 súng kíp, 40 viên đạn súng kíp, 5 chỉ vàng, 550 USD, 1 nén bạc, 2 dây chuyền bạc và 167.260.000VNĐ, 2 ô tô, 4 điện thoại di động... khi đang mang ma túy về Việt Nam tiêu thụ.
Chuyên án 332LV. |
Mới đây nhất, cuối tháng 12/2014, lực lượng PCMT BĐBP Nghệ An bắt giữ đối tượng Hạ Bá Cu (SN 1991, trú tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) khi đối tượng đang vận chuyển 20 bánh heroin từ Lào về Việt Nam.
Luôn vững vàng vượt qua cám dỗ
Nói về chống ma túy, Đại tá Nguyễn Trường Thi chia sẻ: “Lính Biên phòng phòng chống ma túy không có bản lĩnh không làm được đâu. Bản lĩnh trước kẻ thù và bản lĩnh trước bản thân mình”. Giải thích chuyện bản lĩnh lính biên phòng chống tội phạm ma túy, anh em chiến sỹ nhiều tháng mới phá được chuyên án bắt các đối tượng. Khi vừa bắt được các đối tượng sừng sỏ có nhiều mối quan hệ phức tạp thì cũng có những thế lực đen tối, mờ ám đứng phía sau.
“Nhiều lần mới phá án thì có nhiều số điện thoại lạ xưng là người nhà của các đối tượng sẵn sàng trả số tiền mà anh em biên phòng có làm cả đời cũng không có. Cũng có đối tượng điện thoại đưa chuyện “thăng quan tiến chức” ra để mua chuộc anh em trinh sát nếu thả người. Hoặc có khi chúng còn đưa vợ con ra để đe dọa anh em chiến sỹ, bằng mọi giá chúng có thể làm…”, Đại tá Thi chia sẻ. Vì thế, song song với việc đào tạo nghiệp vụ thì việc giáo dục chính trị tư tưởng cho các chiến sỹ là điều thường xuyên được đề cao.
Trước khi xuất kích phá án, bên cạnh việc đảm bảo cho sự thành công của mỗi chuyên án là sự an toàn của vợ con, của người thân các chiến sỹ để các anh yên tâm làm nhiệm vụ. Đại tá Thi kể: “Nhiều lần đi bộ hai ba ngày trong rừng sâu với sên vắt, muỗi, rắn rết… đói lả người nhưng nói để vợ con yên tâm thì bảo “không can chi mô, đi bộ có hơn 1 tiếng là đến thôi”, vợ con yên tâm thì anh em mới yên tâm phá án”.
Dù phải thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, thậm chí cận kề sinh tử và cả sự cám dỗ về vật chất, tinh thần, sự đe dọa, khủng bố bản thân và gia đình, người thân nhưng những người lính mang quân hàm xanh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau 10 năm thành lập Phòng PCTPMT, Phòng đã hai lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, 1 lần được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; 3 Huân chương Chiến công hạng Nhì; Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen…/.