Gấp rút hoàn thành chấm thi tốt nghiệp THPT đợt 1

(PLVN) -  Công tác chấm thi đợt 1 kỳ thi THPT 2021 đang gấp rút hoàn thành. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi - đề nghị các địa phương tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt việc chấm thi, không lơ là, chủ quan dù ở khâu cuối cùng.
Theo kế hoạch, điểm thi THPT đợt 1 sẽ công bố vào ngày 26/7. (Ảnh minh họa)

Đảm bảo quyền lợi thí sinh

Kiểm tra công tác chấm thi tại một số tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, với những tình huống phát sinh trong quá trình chấm, khi xử lý, phải ưu tiên đảm bảo quyền lợi thí sinh.

Việc chấm bài trắc nghiệm phải đảm bảo an toàn, chặt chẽ trong từng công đoạn. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần tăng cường triển khai, trên tinh thần hỗ trợ, tư vấn kịp thời, giúp công tác chấm thi đạt hiệu quả, chất lượng, nghiêm túc, đúng quy chế.

Ông Sái Công Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, lưu ý khâu chấm kiểm tra phải bảo đảm theo tiến độ chấm để nếu có hiện tượng bất thường thì phát hiện và chỉnh sửa ngay, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc mất điểm.

Với chấm thi trắc nghiệm, ông Hồng lưu ý: “Bước duy nhất có thể can thiệp vào chấm thi trắc nghiệm là sửa lỗi thông tin trong phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh vì đây là khâu phải can thiệp bằng tay. Do vậy, cần giám sát thật chặt khâu sửa lỗi để tránh tuyệt đối những vi phạm trong chấm thi trắc nghiệm”.

Ông Bùi Văn Xuân - Trưởng môn chấm tự luận hội đồng thi tỉnh Yên Bái, cho biết: “Yên Bái có hơn 8.000 bài thi môn Ngữ văn, huy động 80 giám khảo, trung bình mỗi giám khảo chấm khoảng 200 bài thi (2 vòng). Dự kiến ngày 20 - 22/7 Yên Bái sẽ hoàn thành việc chấm thi môn Ngữ văn”.

Được biết, ngày 12/7, Yên Bái bắt đầu chấm thi môn ngữ văn. Ngay khi việc chấm chung 10 bài để đi đến thống nhất theo hướng dẫn chấm thi cũng đã có phát sinh những tình huống cần thảo luận kỹ.

“Trên thực tế với môn văn, học sinh thậm chí có thể viết hay hơn đáp án, không giống hoàn toàn với đáp án nên giáo viên chấm thi phải ghi nhận và có đánh giá xác đáng với những bài làm như vậy”, ông Xuân nói.

Trước các ý kiến tỏ ra lo ngại đáp án môn văn quá “đóng”, có thể gây thiệt thòi cho học sinh có tính sáng tạo, có suy nghĩ riêng, ông Xuân khẳng định: “Giám khảo chấm thi dựa vào hướng dẫn chấm mà Bộ GD-ĐT ban hành chứ không dựa vào đáp án. Đáp án ngắn gọn, nếu đọc đáp án thì cảm giác bị đóng nhưng hướng dẫn chấm thì lại rất mở, cho phép cán bộ chấm thi có thể vận dụng tối đa để đảm bảo quyền lợi cho học sinh”.

Nguyên tắc “3 tại chỗ”

Tại 11 tỉnh phía Nam và Tây Nguyên gồm: TP HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng, Gia Lai, Long An, Kom Tum, cùng với căng mình chống dịch, công tác chấm thi tại các địa phương đang gấp rút hoàn thành.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM Lê Hoài Nam cho biết, song song với các Ban chuyên môn như Ban làm phách, Ban chấm thi tự luận, Ban chấm thi trắc nghiệm… TP HCM còn thành lập Ban phòng chống COVID-19 để kiểm soát, phòng chống dịch cho tất cả đội ngũ giám khảo, cán bộ, nhân viên tham gia chấm thi được yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu chấm thi, trước khi thực hiện nhiệm vụ, đều được xét nghiệm COVID-19. Hoạt động xét nghiệm này đều đặn tiến hành 5 ngày/lần, để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống phát sinh.

Khi TP HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, Hội đồng thi của Sở đã chia nhỏ Ban chấm thi thành 20 tổ, mỗi tổ không quá 10 người để đảm bảo giãn cách. Các tổ chấm chia ca, tổ chức chấm lệch giờ để tránh tập trung đông người.

Tỉnh Đồng Nai hiện cũng là điểm nóng về dịch COVID-19. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh cho biết, địa phương này đã trưng dụng một khu vực độc lập để tổ chức chấm thi và làm nơi ở tập trung trong suốt thời gian chấm thi cho tất cả lực lượng tham gia công tác này. Trước đó, tất cả nhân sự chấm thi đều được xét nghiệm Covid-19, đảm bảo an toàn mới tham gia làm nhiệm vụ.

Nguyên tắc 3 tại chỗ - chấm thi, ăn, nghỉ tại chỗ cũng được Hội đồng thi Sở GD-ĐT Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng. Theo đó, 176 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và công an tham gia làm nhiệm vụ trong các ban chấm thi của Bà Rịa - Vũng Tàu, gần 200 cán bộ của Long An, đều được xét nghiệm COVID-19.

Trong suốt quá trình chấm thi tập trung, lực lượng này thực hiện ăn nghỉ cách ly và chỉ rời khu chấm khi công tác chấm thi đã hoàn tất. Trước khi ra về, cán bộ, giáo viên, nhân viên được xét nghiệm lại COVID-19 để đảm bảo không có nguồn dịch lây trong cộng đồng.

Trong số 11 Hội đồng thi trên, TP HCM có số lượng bài thi đông nhất với 87.668 bài tự luận Ngữ văn, hơn 420.000 bài trắc nghiệm. Dự kiến, Hội đồng thi sẽ hoàn thành công tác chấm chậm nhất vào ngày 24/7. Hiện nhiều Sở GD-ĐT trong 11 tỉnh này đã đề xuất tổ chức thi đợt 2 vào đầu tháng 8.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị, sau khi Bộ thống nhất với các địa phương và chốt thời điểm thi chính thức, các Hội đồng thi tiếp tục chuẩn bị tốt mọi điều kiện để tổ chức thi đợt 2 đảm bảo an toàn về dịch, an toàn Quy chế, trên tinh thần nhân văn, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Văn phòng Chính phủ vừa gửi công văn tới Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về việc tổ chức đợt thi tiếp theo của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo nội dung công văn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, căn cứ tình hình dịch COVID-19 lập kế hoạch cụ thể tổ chức đợt thi tiếp theo của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021, bảo đảm an toàn, quyền lợi của thí sinh và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần rà soát, tạo điều kiện để các thí sinh không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác nhau (trừ trường hợp gian lận) được dự thi ở đợt thi tiếp theo.

Hiện hơn 26.000 thí sinh ở 42 tỉnh, thành phố chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Các thí sinh này thuộc diện F0, F1, F2 hoặc đang cư trú ở địa bàn cách ly, phong tỏa do ảnh hưởng của dịch. An Giang là tỉnh có số lượng thí sinh mong muốn dự thi đợt 2 nhiều nhất, tiếp đến là Đồng Tháp, Bình Định, TP HCM.

Đọc thêm