Công phu “thuần bò”
Lách qua đoàn người đứng ken dày, chật cứng khu vực sân đua bò, chúng tôi tìm gặp được chị Nàng Oăn Ni (37 tuổi) - vợ một chủ bò lặn lội từ vùng An Giang ra miền Bắc. Bàn tay chị Nàng Oăn Ni xoa xoa vào lưng chú bò mộng cao vượt đầu người, đôi mắt tinh anh của hai con vật quen hau háu nhìn chai nước ngọt trên tay chủ.
“Con bò nó biết đấy, trước khi đua thì cho nó ăn mà, cho ăn hơn 10 cái hột gà (PV- trứng gà) và còn cho nó uống nước ngọt nữa thì mới có sức, mới chạy nhanh”- chị Nàng Oăn Ni bật mí.
Nghe kể, chị Nàng Oăn Ni ra miền Bắc lần này để đảm nhiệm công việc chăm sóc bò thay cho chồng là anh Chau Hăng. Cặp bò này được vợ chồng chị Nàng Oăn Ni lựa chọn và huấn luyện kỹ càng từ nhỏ. Không biết có phải do đôi mắt tinh tường biết nhìn “tướng” bò hay bởi cảm tấm lòng chăm sóc chu đáo của vợ chồng chị mà đôi bò không ít lần mang lại tiếng lành cho Pum Sóc. Trong số 5 lần tham gia các cuộc đua thì một lần cặp bò nhà Chau Hăng giật được giải nhất.
|
Bò được chủ nhân chăm sóc kĩ càng |
Giá mỗi chú bò thắng cuộc cũng vì đó mà nâng lên ngất ngưởng. “Bò bình thường thì chỉ 70, 80 triệu một cặp thôi, nhưng khi đã chiến thắng thì phải hơn 100 triệu, cũng có khi 200 triệu…”, chị Nàng Oăn Ni thật thà.
Là người dẫn dắt bò đua Bảy Núi ra Thủ đô, ông Phan Trí Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ thể thao – Sở VHTT&DL tỉnh An Giang bộc bạch: “Trong ấy họ đua mà thắng, đôi nào thắng được người dân quý lắm, tất cả vùng sẽ đến chúc mừng, họ quan trọng là cái danh dự” .
Theo tìm hiểu, hầu hết bò đua Bảy Núi đều phải thiến mới có thể chính thức bước vào quá trình huấn luyện. Quá trình chăm sóc và thuần dưỡng bò đóng vai trò quyết định đến sự thành bại. Như lời ông Phan Trí Dũng khẳng định thì “thuần bò” là một khâu hết sức quan trọng.
“Với cặp bò khi người ta nuôi, thuần dưỡng nó thì chỉ có một người duy nhất là nó nghe lời thôi. Nghĩa là phải nuôi và chăm sóc, thuần dưỡng ngay từ khi còn nhỏ. Thế nên, cũng chỉ có thể có một người điều khiển được nó. Ngoài ra, còn có một người nữa sẽ chỉ chuyên về chăm sóc cho bò” - ông Dũng nhấn mạnh.
Những chú bò vượt hơn 2 nghìn cây số
Hơn 2.100 cây số từ đất An Giang ra đến Thủ đô Hà Nội quả thực là một hành trình dài. Đứng giữa sự chênh lệch nhiệt độ của một nơi ấm nóng ra miền Bắc mùa đông lạnh nhưng từ người “cầm cương” đến những chú bò vẫn cống hiến cho khán giả những màn chạy nước rút mạnh mẽ.
Ông Đinh Đức Lập (Thanh Oai, Hà Nội) nhìn 6 cặp bò đua với vẻ xuýt xoa, khen ngợi: “Tôi đi từ 6 giờ sáng lên đây để mong được một lần thấy đua bò Bảy Núi, quả thực thấy rất hay. Gần 70 tuổi rồi mà còn được chứng kiến nét đặc sắc này nên tôi vui lắm”.
Từ vùng Tân Lợi (Tịnh Biên, An Giang) anh Chau Suonl - chồng chị Đèn Khoăn Ly, là một “người cầm vàm” (PV - nài đua bò) có tiếng trong vùng, theo kinh nghiệm chia sẻ thì một cặp bò đua phải đồng cân, đồng sức. Nghĩa là từ hình dáng, thể trạng và sự biết nghe lời cũng phải tương đồng thì mới dễ điều khiển và giành chiến thắng. Tuy nhiên, để được như vậy không hề dễ dàng, trong hàng trăm con bò nhỏ được nuôi nấng, chăm sóc kỹ càng đến năm “phát sức” - bò trưởng thành phải cho chạy thử.
“Mình phải cho nó tập chạy, chạy 3 bữa một lần, nếu không được thì loại nó ra chỉ để cho cày bừa thôi, không đua được” - chị Đèn Khoăn Ly khẳng định.
Sau lễ bốc thăm, hàng ngàn người đổ dồn về khu đua - nơi những chú bò thể hiện những bước chạy nước rút mạnh mẽ, không tìm được chỗ “đậu chân” để ngắm toàn cảnh cuộc thi sau nhiều giờ mong ngóng, ông Hùng (quê Phú Thọ) quyết định leo lên một ngọn cây cao ngất ngưởng để… ngắm cho sướng mắt.
|
Nhiều người dân Thủ đô rất thích thú xem lễ hội đua bò |
Màn chạy nước rút của cặp bò số 2 do Neang Hoăn Ny và số 3 do Chau Sóc Ry điều khiển gần như thu hút sự chú ý hơn cả. Sau những màn rượt đuổi thăm dò, phần “nước rút” của cặp đôi này liên tục nhận được sự tán thưởng của người xem.
Cùng gia đình đến với lễ hội đua bò từ sáng sớm, anh Nguyễn Trường Giang (39 tuổi, thị trấn Sơn Tây, Hà Nội) đến trước hẳn một ngày để “phục chờ” hội đua bò: “Nghe tin có lễ hội đua bò, tôi và các bạn cùng lớp tổ chức lên đây từ chiều qua, thuê nhà ở lại để sáng nay có thể đến sớm xem đua bò. Tôi cũng đã biết lễ hội đua bò qua báo chí rồi nhưng chưa bao giờ được mục sở thị như hôm nay.
Mong rằng Làng Văn hóa sẽ có nhiều lễ hội hay và độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là văn hóa của dân tộc thiểu số phía Nam cho người dân miền Bắc được xem, được hiểu thì tốt biết bao”.