Sáu căn cứ chứng tỏ Trung Quốc vi phạm luật pháp
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Trưởng Khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao - đã chỉ ra sáu luận điểm để chứng minh Trung Quốc (TQ) đã vi phạm luật pháp quốc tế khi đặt giàn khoan 981 vào vùng biển của VN.
Thứ nhất, theo TS. Lan Anh, vị trí đặt giàn khoan 981 của TQ cách điểm cơ sở là đảo Lý Sơn của VN chỉ 119 hải lý, cách ranh giới bên ngoài 300 hải lý và 80 hải lý, cách đảo Tri Tôn 17 hải lý, cách xa đảo Hải Nam hơn 180 hải lý. Theo Điều 57 và Điều 76 của Công ước Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS), vị trí đặt giàn khoan của TQ nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN.
Thứ hai, vị trí đặt giàn khoan không phải thuộc vùng biển Tây Sa của TQ mà thực chất là quần đảo Hoàng Sa của VN. VN có đầy đủ bằng chứng pháp lý để khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa từ thế kỷ XII qua những hoạt động sở hữu thực sự của các tàu tuần tiễn và các hoạt động này đã được thực thi một cách liên tục, hòa bình. TQ đã chiếm đóng bất hợp pháp tại Hoàng Sa bằng cách dùng vũ lực vào năm 1974, trái với Hiến chương LHQ, theo đó quy định rằng hòa bình là biện pháp giải quyết tranh chấp bắt buộc đối với các quốc gia thành viên, các quốc gia thành viên không được đe dọa sử dụng vũ lực.
Thứ ba, đảo Tri Tôn chỉ là cồn cát, theo quy định trong Điều 121 của UNCLOS sẽ không có thềm lục địa. TQ đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN. Điều 56 và Điều 76 của UNCLOS đều quy định về quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển, theo đó, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên tại vùng thềm lục địa của nước mình. Quyền tài phán của các quốc gia ven biển là quyền được cấp phép cho các nước khác lắp đặt các công trình nổi trên biển.
Giàn khoan của TQ là một công trình nổi trên biển mà nước này đã lắp đặt tại vùng thềm lục địa của VN mà không được VN cho phép. Điều 81 của UNCLOS cũng nói rằng mọi hoạt động khoan, thăm dò trong thềm của một nước phải được nước đó cho phép, trong khi VN rõ ràng chưa cấp phép cho TQ. Do đó, TQ đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN.
Thứ tư, theo UNCLOS, nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là các quốc gia có bất đồng dùng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, các quốc gia không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực. Những hành động như dùng vòi rồng để phun vào các tàu chấp pháp của VN, sử dụng các máy bay tuần tiễu và đặc biệt nguy hiểm hơn là việc các vũ khí luôn được đặt trong chế độ sẵn sàng nổ súng bất cứ lúc nào là hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực đối với lực lượng chấp pháp có thẩm quyền trên vùng biển của VN. Chính vì vậy, TQ đã vi phạm các nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp và nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Thứ năm, TQ đã vi phạm quyền tự do hàng hải. Ngày 5/5/2014, Cục Hải sự của TQ ra Thông báo số 14034 trong đó nói rằng TQ còn cấm các tàu thuyền đi lại trong phạm vi ba hải lý xung quanh giàn khoan 981. Khi tàu VN tiếp cận khu vực cách giàn khoan từ bảy đến 10 hải lý đã bị tàu thực thi pháp luật và tàu quân sự của TQ đe dọa, tấn công. Hành động này có thể xảy ra với bất kỳ tàu thuyền của nước nào đi qua khu vực này, vi phạm rõ ràng quyền tự do hàng hải không chỉ của VN mà còn các nước trên thế giới, đe dọa đến an toàn, an ninh hàng hải trên thế giới.
Hơn nữa, trong UNCLOS, kể cả khi TQ có quyền đặt giàn khoan trên biển thì theo quy định một quốc gia chỉ được thiết lập một vùng an toàn 500m. Trong khi đó, TQ cấm tàu thuyền đi lại trong phạm vi ba hải lý quanh giàn khoan và đe dọa, tấn công tàu VN ở cách đó 10 hải lý, vi phạm trắng trợn UNCLOS. Bên cạnh đó, TQ cũng đã vi phạm Công ước chống đâm va (COLEG).
Thứ sáu, qua các hành động của mình TQ đã vi phạm cam kết Tuyên bố về cách hành xử của các bên trên biển Đông (DOC). Trong khi VN hết sức kiềm chế để giữ nguyên hiện trạng trên biển Đông thì TQ bằng việc làm hạ đặt giàn khoan 981 đã làm phức tạp thêm tình hình, thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho mình.
|
Các diễn giả tại buổi tọa đàm |
Bình luận tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) – nói rằng, ít nhất từ năm 2010 cho đến nay, năm nào TQ cũng gây hấn với VN, điển hình như các việc cắt cáp của tàu VN, xua đuổi ngư dân đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, thậm chí thành lập thành phố Tam Sa bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Vụ hạ đặt giàn khoan lần này là một sự xâm lăng pháp lý cực kỳ nghiêm trọng của TQ. Ông Cương khẳng định, khu vực TQ hạ đặt giàn khoan là của VN chứ không hề có tranh chấp. “Đây là nhà của chúng tôi, chúng tôi có quyền ngăn cấm các hành vi vi phạm, chứ không phải là tranh chấp” – ông nhấn mạnh.
Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận xét: “Trong một thời gian ngắn, xét về mặt hành vi học, TQ có ba loại hành vi: vi phạm luật pháp quốc tế, sử dụng bạo lực và lừa dối dư luận quốc tế”. Ông Cương đề cập đến Chiến tranh biên giới nổ ra ngày 17/2/1979 như một minh chứng cho sự lừa dối dư luận của TQ. Tại thời điểm ấy, quân TQ tràn lên 6 tỉnh biên giới của VN giữa ban ngày, rõ ràng là như vậy, nhưng 3.700 tờ báo của TQ đều nói rằng chính quân đội VN tấn công TQ và TQ buộc phải tự vệ. Lần này, TQ ngang ngược tấn công tàu của VN nhưng một mực phủ nhận, đổ lỗi cho VN đâm tàu TQ “171 lần”.
Ông Cương cho rằng, trên thế giới này có 2 yếu tố tạo nên sức mạnh của một quốc gia, gồm vật chất đong đếm được và yếu tố văn hóa, tinh thần. Người VN luôn có tinh thần bất khuất, sáng tạo, lấy đạo nghĩa để thắng hung tàn. “TQ mạnh thật nhưng họ có rất nhiều điểm yếu, yếu nhất là không có đạo lý và pháp lý, bị cả thế giới cô lập, nên chúng ta không có gì phải lo lắng” – Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương khẳng định.