Gây khó dễ cho nhà đầu tư, Quảng Bình có thể khiến Chính phủ bị kiện?

(PLO) - Theo quy định của pháp luật, thủ tục thay đổi giấy phép đầu tư được thực hiện trong thời hạn 20 ngày nhưng UBND tỉnh Quảng Binh đã “ngâm” hơn 4 tháng qua khiến cho nhà đầu tư nước ngoài buộc phải “kêu cứu”, thậm chí còn phải khởi kiện cả Chính phủ vì sự đối xử có tính “gây khó dễ” của chính quyền địa phương.
Sản xuất cao lanh tại Công ty QBBK

“Mẹ” phá sản khiến “con” phải… đổi chủ

Công ty TNHH Kaolin Quảng Bình – Bohemia (Công ty QBBK) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, do chủ sở hữu là Công ty Công ty TRADE B.G.M (Cộng hòa Séc) đầu tư với mức vốn đầu tư hơn 31 triệu USD. Công ty QBBK được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 1998 để thực hiện dự án khai thác cao lanh, sản xuất các sản phẩm phụ từ cao lanh. Tuy nhiên, dự án mới thực sự đi vào hoạt động từ năm 2010 và “khởi sắc” từ năm 2014 đến 2016.

Song, trong lúc Công ty “con” bắt đầu vượt qua khó khăn và làm ăn có lãi tại Việt Nam thì Công ty “mẹ” lại lâm vào tình trạng phá sản tại Cộng hòa Séc. Do không thể trả được khoản vay hơn 17 triệu USD tại Ngân hàng Xuất khẩu Séc nên ngày 19/2/2015, chủ nợ đã yêu cầu tòa án Thành phố Prague mở thủ tục phá sản đối với Công ty TRADE B.G.M (Cộng hòa Séc). Ngày 22/2/2015, Tòa án Thành phố Prague đã tuyên bố Công ty “mẹ” của Công ty QBBK bị phá sản. 

Thực hiện quyết định tuyên bố phá sản đối với Công ty TRADE B.G.M, ông Josef Cupka được chỉ định là người quản lý tài sản của Công ty để xử lý các khoản nợ. Theo phán quyết về phá sản doanh nghiệp của tòa án thì Chủ sở hữu và những người quản lý tài sản trước đây của Công ty TRADE B.G.M không còn quyền quản lý Công ty mà phải bàn giao cho người do tòa án chỉ định, trong đó có khoản vốn đầu tư vào Công ty QBBK tại Việt Nam.

Công ty QBBK

Ngay sau khi quyết định phá sản có hiệu lực, ông Josef Cupka đã nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của tòa án nước ngoài tại Việt Nam để ông được trở thành nhà đầu tư, nắm giữ 100% vốn tại Công ty QBBK. Ngày 18/6/2016, TAND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định công nhận và cho thi hành quyết định của Tòa án Thành phố Prague tại Việt Nam và ngày 11/10/2016, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã xét phúc thẩm và giữ nguyên quyết định của TAND tỉnh Quảng Bình.

Khi đã có đủ các quyết định của tòa án, ngày 9/11/2016, ông Josef Cupka đã nộp hồ sơ xin thay đổi giấy phép đầu tư và đăng ký kinh doanh của Công ty QBBK, với nội dung điều chỉnh là “đổi chủ” của Công ty QBBK từ Công ty TRADE B.G.M sang ông Josef Cupka; thay đổi người đại diện (Tổng giám đốc) của Công ty QBBK. Theo UBND tỉnh Quảng Bình, thành phần hồ sơ xin thay đổi giấy chứng nhận đầu tư đã được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Quảng Bình có khiến Chính phủ bị kiện?

Mặc dù hồ sơ đã được lập và nộp đúng quy định của pháp luật nhưng UBND tỉnh Quảng Bình vẫn loay hoay không có câu trả lời cho chủ đầu tư mới của Công ty QBBK. Vì đây là một vụ việc chưa có tiền lệ nên UBND tỉnh Quảng Bình đã phải họp các ngành của tỉnh để tham mưu, đồng thời xin ý kiến tư vấn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tư pháp. Theo ý kiến tham mưu của Tòa án và VKS tỉnh Quảng Bình thì UBND tỉnh Quảng Bình phải thực hiện việc thay đổi giấy phép đầu tư cho nhà đầu tư mới thì phán quyết của tòa án Cộng hòa Séc và Việt Nam đã công nhận quyền quản lý tài sản của ông Josep Cupka đối với toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty QBBK.

Về phía Bộ Tư pháp, ngày 6/12/2016, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã ký Công văn số 4356/BTP-PLQT gửi UBND tỉnh Quảng Bình hướng dẫn điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của Công ty QBBK. Bộ Tư pháp khẳng định, theo quy định của pháp luật và các bản án đã có hiệu lực thì ông Josef  Cupka hiện là chủ đầu tư duy nhất tại Công ty QBBK nên có quyền điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư. Trong Công văn 4356, Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh, để tránh các bên liên quan làm phức tạp tình hình và nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ, Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các bên liên quan thực hiện đúng pháp luật.

Bộ Tư pháp cảnh báo về nguy cơ nhà đầu tư kiện Chính phủ

Đã hơn 4 tháng kể từ ngày nhà đầu tư nộp đơn đề nghị thay đổi giấy phép đầu tư và cũng đã nhiều tháng kể từ khi các cơ quan có liên quan có ý kiến gửi UBND tỉnh Quảng Bình nhưng thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty QBBK vẫn dậm chân tại chỗ. Lý do của việc chậm chễ này là do “còn ý kiến khác nhau” về việc có phải làm thủ tục qua cơ quan thi hành án hay không. Theo ý kiến của Tòa án, VKS tỉnh Quảng Bình và cả ý kiến của Bộ Tư pháp thì cơ quan thi hành án không phải cho thi hành bản án. Vì các quyết định của tòa án công nhận quyền cho ông Josef Cupka, không phải một vụ án giải quyết tranh chấp về tài sản nên “không có việc” cho cơ quan thi hành án. Do vậy, việc dựa vào cái cớ này để chậm làm thủ tục hành chính, thay đổi giấy chứng nhận đầu tư đang bị nhà đầu tư nước ngoài nghi ngờ là biện pháp “câu giờ” của chính quyền địa phương, khiến cho nhà đầu tư mất quyền kiểm soát tài sản.

Theo Luật sư Nguyễn Minh Anh, do quyết định của tòa án Việt Nam cho thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của tòa án nước ngoài, trong đó chỉ định người quản lý tài sản của Công ty QBBK nên đây là văn bản pháp luật có giá trị nghi nhận quyền của một cá nhân. Khi cá nhân (ông Josef Cupka) được công nhận là người quản lý vốn tại Công ty QBBK thì được thực hiện đầy đủ quyền của nhà đầu tư, các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phải đảm bảo các quyền này một cách tự động, không phải thông qua thi hành án. Không lẽ, UBND tỉnh Quảng Bình muốn được “cưỡng chế thi hành án” mới thay đổi giấy phép đầu tư cho Công ty QBBK?

Luật sư Lưu Tiến Dũng, đại diện của ông Josef Cupka cho biết, việc kéo dài thủ tục hành chính có thể khiến cho những người quản lý Công ty QBBK hiện nay có thời gian để kiểm soát công ty và gây tổn hại về tài sản cho chủ sở hữu thật của công ty. Trong khi việc áp dụng luật pháp để thay đổi giấy chứng nhận đầu tư đã rất rõ ràng và không còn vướng mắc gì thì mọi lý do mà UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra đều không thuyết phục được nhà đầu tư. Điều này sẽ gây tổn hại đến môi trường đầu tư và có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ, yêu cầu bồi thường theo hiệp định hợp tác đầu tư giữa hai nhà nước vì cách đối xử bất công đối với chủ sở hữu của Công ty QBBK. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm