Gây khó khăn cho bệnh nhân bảo hiểm, bác sĩ bị phạt

Sau khi Báo PLVN online đăng tải nội dung Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm y tế (BHYT), nhiều bạn đọc băn khoăn về mức phạt một số hành vi vi phạm còn quá nhẹ… Chúng tôi đã trao đổi với  ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế):

Sau khi Báo PLVN online đăng tải nội dung Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm y tế (BHYT), nhiều bạn đọc băn khoăn về mức phạt một số hành vi vi phạm còn quá nhẹ… Chúng tôi đã trao đổi với  ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế).

- Thưa ông, theo quy định của Luật BHYT, từ 1/1/2014, tất cả các đối tượng đều có trách nhiệm tham gia BHYT. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định không quy định xử phạt hành vi không tham gia BHYT đối với người có trách nhiệm tham gia, liệu có phù hợp với Luật BHYT?

Hiện có nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT. Đối với nhóm đối tượng là người lao động, người làm công ăn lương…thì chủ sử dụng lao động có trách nhiệm đóng 2/3, người lao động đóng 1/3 mức đóng BHXH. Nhóm đối tượng là cán bộ hưu trí, bảo trợ xã hội…thì đã có các cơ quan có trách nhiệm đóng thay...

Theo quy định của pháp luật, nếu anh có trách nhiệm tham gia BHYT mà không tham gia thì sẽ bị phạt. Tuy nhiên, nếu thực hiện vào thời điểm hiện nay sẽ gặp phải khó khăn trong công tác thu - nộp. Mặt khác, cũng không có chế tài để ràng buộc các đối tượng này, bởi đời sống của họ đang còn khó khăn, nếu xử phạt thì e rằng không hợp lý. Vì vậy, Ban soạn thảo Nghị định thấy tính khả thi của việc xử phạt không cao nên tạm thời chưa xử phạt mà chờ xin ý kiến của Chính phủ.

- Điều 11 Dự thảo Nghị định quy định về hành vi đưa người không đúng đối tượng vào danh sách của cơ quan, tổ chức để tham gia BHXH sẽ bị phạt. Trong khi theo Luật BHXH thì đến 1/1/2014, tất cả các đối tượng đều phải tham gia BHYT. Việc xử phạt có hợp lý không, thưa ông?

Hiện có hai nhóm đối tượng tham gia BHYT, là tham gia tự nguyện và tham gia bắt buộc. Đương nhiên, quyền lợi của hai nhóm đối tượng này là khác nhau (về thời gian được hưởng, mức hưởng BHYT…). Hơn nữa, từ nay đến năm 2014, vẫn còn tồn tại nhóm đối tượng chưa bắt buộc phải tham gia BHYT. Cho nên, việc xử phạt hành vi đưa người không đúng đối tượng vào danh sách tham gia BHYT của cơ quan, tổ chức là phù hợp.

b
Liệu Nghị định có hạn chế được tiêu cực?

- Theo Dự thảo Nghị định, hành vi tẩy xóa, sửa chữa thẻ BHYT là vi phạm pháp luật. Vậy người có tên trong thẻ phát hiện thẻ in sai năm sinh hoặc tên đệm của mình và tự ý sửa lại cho đúng thì có bị phạt không? Việc sai thông tin trên thẻ sẽ khiến người có thẻ không được khám chữa bệnh kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ. Tại sao Dự thảo không đề cấp đến trách nhiệm của cơ quan đã in sai thông tin trên thẻ BHYT?

Nếu người sử dụng thẻ BHYT phát hiện thông tin trên thẻ bị in sai hoặc in thiếu, phải có trách nhiệm báo với cơ quan BHYT để sửa lại chứ không được tự ý sửa chữa, tẩy xóa. Để giải quyết kịp thời những thắc mắc, kiến nghị của người tham gia BHYT, tại mỗi bệnh viện đều có cán bộ của cơ quan BHYT có mặt tại buổi khám bệnh. Với lỗi in sai thông tin trên thẻ, bệnh nhân có thẻ BHYT vẫn được khám, chữa bệnh bình thường, đồng thời cán bộ của cơ quan BHYT sẽ tiếp thu thông tin mà bệnh nhân phản ánh để chỉnh sửa lại cho đúng.

- Thưa ông, hiện  tình trạng bác sỹ lập khống  bệnh án để rút thuốc từ bệnh viện đem bán diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, Điều 24 dự thảo Nghị định quy định khung phạt của hành vi này chỉ tương ứng với giá trị vi phạm liệu có đủ sức răn đe?

Điều luật này có hai nội dung. Đầu tiên là sẽ phạt về hành vi lập hồ sơ bệnh án và kê đơn thuốc khống. Sau đó là hình thức xử phạt bổ sung, tức là buộc bồi thường lại số tiền mà người vi phạm gây ra hậu quả. Có thể là bồi thường thiệt hại cho người bệnh, cho bệnh viện hoặc cho cơ quan BHXH. Tuy nhiên, về vấn đề này chúng tôi sẽ xem xét lại để cân đối giữa hành vi vi phạm và khung hình phạt cho hợp lý.

- Thưa ông, Dự thảo nghiêm cấm hành vi gây khó khăn, cản trở đến khám chữa bệnh BHYT. Vậy gây khó khăn, cản trở đến mức độ nào thì bị phạt?

Gây khó khăn đến mức làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT. Chẳng hạn như vì bị gây khó khăn mà người bệnh không được khám chữa bệnh hoặc bị khám chậm ảnh hưởng đến bệnh tình của họ….

Trân trọng cám ơn ông!

Vân Anh (thực hiện)

Đọc thêm