Ở nhà sàn, ngắm hoàng hôn bên triền núi, thác ghềnh
Mai Châu là huyện lỵ nằm ở cực Tây của tỉnh Hòa Bình thu hút đông đảo khách du lịch bởi sự thích thú nơi đây mang lại trong suốt chặng đường khám phá, từ những đoạn đèo hiểm trở, lên thác, xuống ghềnh, nhìn xuống dưới là bao la cây cối trôi giữa mây trời. Những bản làng dân tộc giản dị hay những cánh đồng lúa, thung lũng hoa đẹp như thơ.
Ba Khan - một xã thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa bình, nằm dưới chân đèo Thung Khe quanh năm mây mù, sương phủ. Xã Ba Khan được hợp thành từ 3 xóm: Khan Hạ, Khan Hò và Khan Thượng, nằm dọc ven theo sông Đà ngày đêm ào ào nước đổ. Với khung cảnh non nước hữu tình, đồi núi đá vôi nhấp nhô, trùng điệp, Ba Khan được ví như Hạ Long trên cạn bởi có rất nhiều đồi núi, hang động bao quanh.
Sáng sớm, Ba Khan trở nên huyền ảo bởi mây trời giăng mờ các thung lũng, len lỏi hòa quyện vào đồi núi trùng điệp. Điểm hút hồn du khách đó là Bakhan Village nằm ngay trên sườn núi ở bản Ba Khan. Từ đây, du khách nhìn thấy tận mắt thung lũng xanh mênh mang và dòng nước trắng xóa đổ từ hồ thủy điện Hòa Bình xuống dòng sông Đà bình yên.
Tại Bakhan Village, du khách thả hồn chiêm ngưỡng khu vườn ngập tràn sắc hoa tươi, cây cối và ngắm núi rừng Tây Bắc mộng mơ ngay từ nhà sàn, căn phòng của mình. Du khách chạm tay vào loại đá tai mèo - “đặc sản” của vùng cao. Cảnh vật đồi núi, cánh đồng thấp thoáng bản làng nhỏ bé vừa bình yên vừa giản dị. Du khách thư thái đạp xe thăm bản làng, leo núi khám phá cuộc sống của người dân Mường bản địa. Được trải nghiệm khám phá vùng đất Ba Khan mộc mạc, cùng gặt lúa, dệt vải, nấu ăn với người dân chất phác khiến du khách chẳng muốn rời.
Ông Nguyễn Văn Hảo - đại diện Bakhan Village hào hứng: “Nơi đây thường xuyên tổ chức văn nghệ các dân tộc vào tối thứ Bảy hàng tuần. Ở Ba Khan chủ yếu là nơi sinh sống của dân tộc Mường, du khách sẽ được giao lưu văn hóa, văn nghệ với họ. Điển hình trong đời sống của người Mường là những điệu múa, điệu khèn, điệu hát, nhảy sạp… rất độc đáo”.
Xóm Đá Bia xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) là một địa điểm rất lý tưởng cho du khách muốn thư giãn, khám phá và trải nghiệm cuộc sống của người vùng cao nói chung và người Mường Ao Tá nói riêng. Đến Đá Bia, du khách có thể cảm nhận được không khí trong lành, mát mẻ của núi rừng, nhìn thấy những áng mây trắng bồng bềnh như dải lụa quấn quanh đỉnh núi, nghe tiếng hót của muôn loài chim ngân vang cả một góc trời; trải nghiệm các hoạt động đạp xe đạp, đi bộ thăm bản, tắm thác, lội suối, khám phá hang động, leo núi Đá Bia với độ cao 250m nằm ngay trung tâm của xóm để ngắm toàn cảnh Đá Bia và một phần lòng hồ Hòa Bình.
Bà Đinh Thị Yệu - người dân tộc Mường tự hào: Vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, sự thân thiện, hiếu khách của người dân và cách thức tổ chức tốt các dịch vụ du lịch của địa phương đã tạo cơ hội cho Xóm Đá Bia được nhận giải thưởng du lịch cộng đồng Asian năm 2018 và trở thành một điểm đến hấp dẫn.
|
Bà Đinh Thị Yệu giới thiệu cảnh sắc Mường cho du khách. |
Xóm Đá Bia hiện có 33/40 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng. Và theo đánh giá thì đây là địa điểm lý tưởng cho các kỳ nghỉ ngắn ngày. Dịch vụ phong phú: trải nghiệm ẩm thực, lao động sản xuất, văn nghệ thôn bản, tắm thuốc, bè mảng, xe đạp, leo núi thám hiểm… Đến đây du khách không chỉ được ngắm cảnh đẹp nên thơ mà còn có thể khám phá nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với nếp làng, phong tục văn hóa có từ ngàn xưa.
Chợ phiên họp trên thuyền cập bến theo con nước, những gian hàng đóng bằng tre nứa, lợp lá cọ như mái nhà nhỏ xinh dọc xóm Đá Bia bày bán nông sản kèm những tờ giấy ghi giá và chiếc giỏ đựng tiền mà không cần người bán hàng. Tất cả đã làm nên nét mộc mạc và hấp dẫn nơi sông nước được bao phủ bởi núi cao, hồ sâu, cây rừng xanh thẳm, thu hút khách du lịch đến với miền non nước xứ Mường giàu bản sắc văn hóa.
Thưởng thức cỗ lá đượm hồn dân tộc
Núi non điệp trùng, lòng hồ sông Đà mênh mông cùng với những cánh đồng trù phú tốt tươi đã ban tặng xứ Mường Hòa Bình mến khách lượng sản vật phong phú, là nguyên liệu để chế biến những món ăn ngon, bản sắc, tạo nên nền văn hóa ẩm thực xứ Mường hấp dẫn, níu chân du khách.
Nếu như khu vực trung du Lương Sơn có thịt trâu lá lồm thì vùng núi đá vôi Kim Bôi, Lạc Thủy có đặc sản gà thả đồi; Rượu cần Mường Vang (Lạc Sơn) hay lòng hồ sông Đà từ lâu vốn đã nổi tiếng với nhiều loại cá ngon như cá Lăng, cá Chép, cá Tầm, cá Chình, Chạch Chấu… Vùng núi cao Mai Châu với đặc sản lợn Mường cắp nách cùng với sự đa dạng các loại rau lá rừng và món cơm nếp Lam của bà con xứ Mường với nguyên liệu là loại gạo nếp nương thơm dẻo được bỏ vào ống nứa và nướng chín ống cơm trên than hồng.
Tuy nhiên, để làm nên sự đặc biệt hơn cả của ẩm thực xứ Mường thì chỉ có thể là rượu cần, cơm lam, cỗ lá và thịt gà đồi nấu với măng chua, hạt dổi, thịt trâu om lá lồm, canh loóng, măng đắng, thịt lợn thính muối chua, chả cuốn lá bưởi nướng than…
|
Du khách được thưởng thức cỗ lá và rượu cần. |
Cũng giống như các tỉnh vùng Tây Bắc khác, điểm đặc trưng đầu tiên của ẩm thực xứ Mường chính là việc bữa ăn không thể thiếu cơm nếp. Nhưng độc đáo hơn cả ngoài cách chế biến thông thường là đồ chín gạo nếp thành xôi thì bà con xứ Mường lại chọn thứ gạo nếp nương thơm dẻo, bỏ vào ống nứa, nướng chín ống cơm trên than hồng.
Một trong những đặc trưng khác của ẩm thực xứ Mường là các món ăn thường được chế biến chủ yếu bằng hai hình thức là: nướng và đồ. Từ cá sông nướng, gà đồi nướng… cho đến cá đồ măng, rau đồ đều giúp cho thực khách cảm thấy vừa miệng, thơm ngon mà không bị ngấy, béo; thức ăn cũng giữ nguyên được vị thơm, ngon, ngọt, đậm đà.
Ngoài cơm lam thơm dẻo, thức ăn ngon vừa miệng, nhắc đến ẩm thực Hòa Bình không thể không nhắc đến rượu cần. Đây cũng là một loại rượu được chế biến theo cách đặc biệt. Không phải chưng cất như những loại rượu thông thường khác, rượu cần được ủ từ men lá rừng trong vò kín khi uống chỉ cần thêm nước. Ngày nay, rượu cần đã trở thành đặc sản của Hòa Bình, có mặt trong đời sống sinh hoạt, trong các dịp lễ, Tết của nhân dân các dân tộc Hòa Bình.
|
Giàng A La biểu diễn điệu khèn Mường. |
Sau khi được chế biến độc đáo bằng những gia vị riêng thì điều làm nên “vị ngon rất Hòa Bình” cho ẩm thực xứ Mường chính là cách bày biện, trang trí mâm cỗ rất độc đáo mang tên – cỗ lá. Chỉ cần một “nang”- phần ngọn tàu lá chuối xanh mướt được cắt vừa vặn với chiếc mâm tròn là người xứ Mường có thể “trình diễn” mâm cỗ lá truyền thống. Màu trắng của thịt luộc, màu vàng của da gà đồi, chút trắng của lòng non, vàng sậm của thịt nướng, xanh non của rau thơm, thêm bát canh loóng chuối có lá lốt xanh điểm xuyết, giữa mâm là bát muối trắng hạt dổi... Tất cả tạo nên mâm cỗ lá màu sắc, hấp dẫn, ngon từ thị giác đến khứu giác, vị giác…
Bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho hay: “Trong kho tàng văn hóa của người Mường Hòa Bình thì những món ăn đặc trưng như rượu cần, cơm lam, cỗ lá… còn được lưu giữ đến ngày nay, đã góp phần làm nên những giá trị đặc sắc của văn hoá vật chất của người Mường nói riêng và của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Văn hóa xứ Mường giúp các thế hệ sau này khi soi vào những giá trị nhân văn và cảm nhận được nếp sống, cách nghĩ, tâm hồn, phong tục tập quán và truyền thống của ông cha thật tự nhiên, dung dị nhưng lại mang đậm nét bản sắc văn hoá riêng biệt”.
Cảnh sắc, văn hóa, ẩm thực xứ Mường góp phần quảng bá văn hóa vùng miền đặc sắc tới du khách trong và ngoài nước.