Số ca COVID-19 nhập viện tại BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM có xu hướng gia tăng
Tại TP HCM, theo số liệu giám sát của HCDC, từ ngày 18/12/2023 đến hết ngày 22/1/2024 các bệnh viện của Thành phố tiếp nhận 94 ca COVID-19 điều trị nội trú đến từ TP HCM và một số tỉnh thành khác.
Trong 94 bệnh nhân nội trú nói trên có 17 ca bệnh nặng phải thở oxy, không có ca tử vong do COVID-19. Tất cả ca bệnh nặng đều là người thuộc nhóm nguy cơ (có bệnh nền nặng) và chưa tiêm chủng đủ các mũi vaccine COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Kết quả giải mã trình tự gen được tiến hành bởi BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) từ mẫu bệnh phẩm của 16 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trong tháng 12/2023 ghi nhận có 12/16 bệnh nhân (75%) nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1, ngoài ra có 1 ca nhiễm biến thể JN.1.1; 2 ca BA.2.86.1 và 1 ca XDD. Dấu hiệu đáng lo ngại là số ca nhập viện tại BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM do COVID-19 có xu hướng gia tăng dần trong sáu tuần gần đây.
Như vậy biến thể phụ JN.1 cũng đã xuất hiện tại TP HCM sau khi CDC Hoa Kỳ báo cáo đây là biến thể đang phát triển nhanh nhất và chiếm ưu thế tại Mỹ trong tháng 12/2023. JN.1 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là “biến thể đáng quan tâm” (variant of interest - VOI) từ ngày 18/12/2023 vì biến thể này đã lây lan nhanh chóng trên toàn cầu.
WHO đang theo dõi 5 biến thể cần quan tâm (VOI) gồm: XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86 và JN.1. Với kết quả giám sát mới trong tháng 12 thì ngoại trừ biến thể EG.5, các biến thể phụ cần quan tâm (VOI) khác đều đã phát hiện tại TP HCM.
Theo WHO, JN.1 có những đặc điểm kháng nguyên mới cho phép virus dễ dàng tấn công vào hệ miễn dịch, dễ lây truyền hơn, do đó đã nhanh chóng chiếm ưu thế trong các biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh toàn cầu.
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn các biến thể phụ khác của Omicron. Nhìn chung, tất cả các biến chủng hiện nay đều gây ra các triệu chứng bệnh COVID-19 tương tự nhau và mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào tình trạng của hệ miễn dịch và trạng thái sức khỏe của từng người (có các bệnh nền hay không). Khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) cũng cho thấy vaccine phòng COVID-19 hiện có, kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán và thuốc điều trị COVID-19 vẫn còn hiệu quả đối với JN.1.
Vaccine là giải pháp quan trọng và cần thiết để phòng chống dịch bệnh
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng, Viện Pasteur TP HCM cho biết, bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra với nhiều biến thể khác nhau (Alpha, Beta, Delta, Omicron...) và tại mỗi thời điểm sẽ có sự lưu hành ưu thế của 1 hoặc một số biến thể nổi trội. Điều này là xu hướng tự nhiên của 1 tác nhân gây bệnh, biến đổi để thích nghi tồn tại và phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng, Viện Pasteur TP HCM. Ảnh: Tuấn Dũng |
Biến thể JN.1 được báo cáo lần đầu vào tháng 8/2023 và là nhánh trực tiếp của BA.2.86. Kể từ tháng 12/2023, JN.1 nhanh chóng vượt qua hàng loạt biến thể khác để chiếm ưu thế (từ 24,8% tuần 48/2023 lên tới 65,5% trong tuần 52/2023 trên tổng số biến thể được báo cáo trên thế giới) và đã có ở 71 quốc gia/vùng lãnh thổ. Dự báo biến thể này sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong thời gian tới.
Nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy biến thể JN.1 vẫn tiếp tục kế thừa các đặc điểm của BA.2.86, có thể ái lực hơn với tế bào đường hô hấp dưới. Tuy nhiên, khi đánh giá xem xét toàn diện trên tình hình diễn tiến bệnh dịch thực tế trong thời gian qua, các nhà khoa học nhận thấy biến thể JN.1 chưa có khác biệt lớn về lâm sàng, miễn dịch, chẩn đoán phát hiện so với các biến thể trước đây và tiếp tục được theo dõi. Vaccine hiện nay vẫn là công cụ hiệu quả giúp kiểm soát bệnh COVID-19 và vẫn bảo vệ người được tiêm trước tình trạng chuyển nặng.
Việt Nam đã hoàn thành tiêm chủng liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên với hơn 266 triệu liều vaccine đã được tiêm trên toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một số người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi.
“Vaccine phòng COVID-19 vẫn là giải pháp quan trọng và cần thiết để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội. Các nghiên cứu cũng như thực tế tiêm chủng trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của vaccine trong việc làm giảm mức độ nặng của bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, góp phần đáng kể trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
Các đối tượng chưa tiêm hay tiêm chưa đủ mũi, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao (bệnh nền, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai…) nên đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine càng sớm càng tốt nhằm bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng”, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng cho biết.
"Là đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ phụ trách công tác Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh tại 20 tỉnh/tp của khu vực phía Nam, Viện Pasteur TP HCM phối hợp chặt chẽ với các Bệnh viện tuyến cuối của TP HCM trong chỉ đạo tuyến, đánh giá, dự báo tình hình dịch và đồng thời luôn kết hợp các đơn vị trong hoạt động giám sát, đáp ứng hỗ trợ địa phương. Trong dịp Tết Nguyên đán các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/tp và Viện đều bố trí các đội Đáp ứng nhanh thường trực giám sát chặt tình hình dịch bệnh, sẵn sàng phối hợp đáp ứng trong trường hợp cần thiết.
Để toàn dân được đón xuân vui tươi, mạnh khỏe, an toàn thì mỗi cá nhân cần tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế về việc tiêm vaccine đúng, đủ liều.
Khi có dấu hiệu hội chứng cúm (sốt, ho đau họng, đau nhức cơ khớp….), cần đến cơ sở y tế khám bệnh để được thầy thuốc chẩn đoán, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị hiệu quả. Hạn chế tiếp xúc nếu nghi nhiễm COVID-19, tránh tiếp xúc với người bị bệnh. Cần đảm bảo thông khí nhà ở, đeo khẩu trang ở nơi đông người, rửa tay thường xuyên với xà phòng (hoặc dung dịch sát khuẩn khi cần). Các hành động này không chỉ phòng chống COVID-19 mà còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh hô hấp khác", Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng cho hay.