Giá dầu bất ngờ giảm mạnh do các nhà giao dịch chốt lời sau khi giá tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng và trong bối cảnh vẫn còn nhiều lo ngại rằng lãi suất cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty phân tích và dữ liệu OANDA, cho biết dầu đã đến thời điểm chín muồi để giảm giá. Theo nhà phân tích này, mặc dù phải còn vài USD nữa mới chạm mức 100 USD/thùng nhưng các nhà giao dịch năng lượng đã nhanh chóng chốt lợi nhuận.
Một số nhà giao dịch lo lắng giá dầu cao sẽ gây ra lạm phát, điều này sẽ khuyến khích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác tiếp tục duy trì lãi suất cao.
Còn theo các nhà phân tích tại Công ty tư vấn năng lượng Gelber & Associates, “dầu thô hiện đang đóng vai trò là chất xúc tác cho xu hướng giảm giá... vì các nhà đầu tư coi giá dầu cao là lý do khiến Fed duy trì lãi suất cao lâu hơn dự kiến ban đầu nhằm kiềm chế lạm phát”.
Theo Reuters, kinh tế Mỹ đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá mạnh, 2,1% trong quý 2 và dường như đã lấy lại được động lực trong quý 3 nhờ thị trường lao động kiên cường thúc đẩy mức tăng lương mạnh mẽ.
Ước tính tăng trưởng trong quý từ tháng 7 đến tháng 9 hiện cao tới mức 4,9%. Nhưng quý 4 có thể chứng kiến sự sụt giảm mạnh nếu chính phủ Mỹ đóng cửa vào ngày 1/10.
Các quan chức Fed đang tập trung vào thước đo giá siêu cốt lõi sau khi tăng lãi suất qua đêm chuẩn thêm 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3-2022 lên mức 5,25% - 5,5%.
Hiện, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang ở mức: Xăng E5 RON 92 không quá 24.197 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 25.748 đồng/lít; Dầu diesel không quá 23.594 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 23.816 đồng/lít; Dầu mazut không quá 17.847 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương vào chiều 21/9.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 27 kỳ điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên giá.