Giá điện tăng không đúng thời điểm?

Nhiều chuyên gia nhận định, giá điện tăng ở mức khoảng 5% trong lần này là có thể chấp nhận được, phản ánh đúng tình hình thực tế trong khó khăn của ngành điện. Tuy nhiên, có không ít ý kiến người dân cũng như một số chủ cửa hàng kinh doanh lại thấy lo lắng và cho rằng, EVN tăng giá điện một năm 2 lần và tăng vào thời điểm cận tết là không hợp lý.

Nhiều chuyên gia nhận định, giá điện tăng ở mức khoảng 5% trong lần này là có thể chấp nhận được, phản ánh đúng tình hình thực tế trong khó khăn của ngành điện. Tuy nhiên, có không ít ý kiến người dân cũng như một số chủ cửa hàng kinh doanh lại thấy lo lắng và cho rằng, EVN tăng giá điện một năm 2 lần và tăng vào thời điểm cận tết là không hợp lý.

Gía điện tăng
Tuy giá điện tăng trong đợt này không cao, nhưng chủ của các cửa hàng áo cưới như thế này cũng phải nghĩ tới việc dùng các loại đèn thắp sáng, và các loại thiết bị tiết kiệm điện.


Không hợp lý khi một năm giá điện tăng 2 lần

Sáng 19/12, EVN có văn bản cho biết, giá bán điện bình quân từ ngày 20/12/2011 sẽ có mức 1.304 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế VAT, tăng 62 đồng/kWh so với giá điện bình quân hiện hành là 1.242 đồng/kWh.

Theo anh Trần Chiến Thắng, đường Đê La Thành, Hà Nội, tuy đợt tăng giá điện lần này không cao, nhưng với đồng lương công chức ít ỏi của hai vợ chồng hiện nay, sẽ phải cố gắng chắt bóp thêm để có thể đủ chi trả cho các khoản ăn học của hai đứa con, cũng như các chi phí cho ăn uống sinh hoạt hàng ngày của gia đình.

“Bây giờ cái gì cũng tăng giá, từ thực phẩm, tiền học thêm của các cháu cho đến giá xăng dầu cũng tăng. Có lẽ, ngay ngày mai tôi sẽ ra các cửa hàng bán bóng đèn tiết kiệm điện để thay thế các bóng đèn hiện đang dùng. Trước mắt, có lẽ đây sẽ là giải pháp cấp thiết và cần nhất với gia đình mình vào thời điểm này.” Anh Thắng chia sẻ thêm.

Không ít các cửa hàng kinh doanh trong các lĩnh vực đòi hỏi phải thắp sáng gian hàng cũng cảm thấy lo lắng cho việc kinh doanh sắp tới.

Chị Lê Minh Thư, chủ của một cửa hàng áo cưới ở phố Huế cho biết, trong một năm mà giá điện tăng 2 lần. Lần đầu năm cửa hàng đã thay thế toàn bộ bóng đèn sang loại tiết kiệm điện, “nhưng cũng không tiết kiệm được là mấy, vì việc thu từ kinh doanh không đủ cho việc chi các khoản, trong đó tiền điện chiếm khoản chi tốn nhất. Bây giờ, kinh doanh áo cưới cũng có phần bão hòa nên chẳng thể bán được mấy nữa”.

Đồng quan điểm với chị Thư, đại diện của một số các siêu thị điện máy cho rằng, tuy giá điện chỉ tăng ở mức 5%, nhưng nếu vì để thu hút khách hàng mà thường xuyên bật các loại ti vi và các thiết bị điện khác thì sẽ ngốn một khoản chi phí khá lớn. Vì vậy, có thể sẽ nghiên cứu để có những phương thức thu hút khách hàng hợp lý trong thời gian tới, nhưng vẫn không để các khoản chi phí về điện bị dôi lên quá nhiều.

Giá điện tăng, kéo theo giá dịch vụ tăng?

Nhiều đại diện của một số các doanh nghiệp cũng như các cửa hàng kinh doanh cho rằng, việc tăng giá điện lần này ở mức có thể chấp nhận được, nhưng về thời điểm thì chưa hợp lý lắm. Bởi theo xu hướng từ trước tới nay, khi giá xăng, điện tăng thì sẽ kéo theo việc tăng giá của các mặt hàng hay các loại dịch vụ. Trong khi đó, đây là thời điểm giáp tết, việc tăng giá điện vào lúc này sẽ rất có thể kéo theo sự khó khăn của người dân trong việc chi tiêu.

Ông Trần Văn Hùng, chủ một cửa hàng Internet trên đường Bà Triệu, Hà Nội cho biết: “Đợt tăng giá điện đầu tiên trong năm, tôi đã hạn chế để cho máy tính ở chế độ chờ, khi nào có khách mới bắt đầu bật máy tính, nhưng có lẽ thời gian tới cửa hàng sẽ tăng giá cho mỗi giờ khách truy cập máy để bù cho việc trả tiền điện”.

Năm nay, kinh tế khó khăn, mọi thứ đều đắt đỏ. Đặc biệt là vào thời điểm giáp tết, các mặt hàng thực phẩm đua nhau tăng giá. “Nay lại đến giá điện, sợ rằng xắp tới sẽ còn nhiều mặt hàng khác cũng đua nhau tăng giá theo điện. Nếu tôi không tăng giá, chắc sẽ khó chi trả cho những khoản cần phải chi hàng ngày.” Ông Hùng vui vẻ chia sẻ thêm.

Cô Lan, chủ cửa hàng photo trên đường Vân Hồ, Hà Nội nói: “Thực sự, khi giá điện tăng trong thời điểm khó khăn như thế này, tôi cũng nên tính tới phương án tăng giá. Nhưng tôi sẽ cố gắng tính toán trong việc tăng giá để đủ cho việc chi trả tiền điện, chứ không tăng giá đến mức khiến khách hiểu lầm là mình lợi dụng việc tăng giá điện rồi tăng giá để kiếm lời.”

Chuyên gia kinh tế của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ông Đinh Tuấn Minh cho rằng, việc tăng giá của các mặt hàng trên thị trường khi giá điện tăng là điều không thể tránh. “Điện là hàng hóa thiết yếu tham gia vào giá thành của các lĩnh vực khác. Từ lĩnh vực tiêu dùng đến các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, nên khi tăng giá điện đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu về giá của các mặt hàng khác.”

Xét về mặt ảnh hưởng đến giá cả các hàng hóa trên thị trường ở thời điểm này, ông Minh nhận định, các mặt hàng như điện, xăng, đầu…hay các mặt hàng được trợ cấp của Nhà nước, “nếu càng hoãn việc tăng giá lâu, sẽ càng ảnh hưởng và tạo ra những cú sốc sau nặng hơn cho giá cả chung các hàng hóa trên thị trường, càng ảnh hưởng tới người dân và mức sống. Đặc biệt, sẽ càng làm cho tình trạng giá cả các hàng hóa được trợ cấp của Nhà nước không phản ánh đúng được cơ chế trong giá cả của nền kinh tế.”

Nguyễn Thọ

Đọc thêm