Bộ Công Thương không nên ủng hộ EVN tăng giá điện
Trong cuộc đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều qua - 16/3 với chủ đề “Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã bày tỏ sự không hài lòng khi đáng ra EVN phải có đại diện tham gia để nghe ý kiến người tiêu dùng, các chuyên gia về việc tăng giá điện.
“Từ năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tăng giá điện 7 lần, lần tăng giá này là lần thứ 8 với biên độ lớn. Chính sự tăng cao này đã gây bức xúc cho người tiêu dùng", ông Long nói.
"Tuy vậy, không phải người tiêu dùng không chia sẻ mà là không đồng thuận với sự thiếu minh bạch của EVN. EVN hao tổn lớn, quản trị kém, bộ máy cồng kềnh, hoạt động chưa có hiệu quả lại đổ lên người tiêu dùng”, ông Long phân tích.
Về cách tính giá điện trong thời gian qua, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, EVN đã nỗ lực cố gắng và đã công khai chi tiết các yếu tố cấu thành nên giá điện. Đáp lại, ông Ngô Trí Long hoàn toàn không đồng tình khi cho rằng việc tính toán chi phí giá là hết sức phức tạp.
“Theo các báo cáo thì thấy, ban đầu ngành điện làm ăn có hiệu quả nhưng tất cả tổn thất do đầu tư ra ngoài ngành… lại đưa vào giá thành điện. Những khoản lỗ chủ quan, ví như do quản trị kém, do năng suất lao động thấp…, lại đổ vào giá, để người tiêu dùng chịu thiệt” - ông Long nói.
Một điều khiến vị chuyên gia này không hài lòng là trong các phát ngôn của Bộ Công Thương về vấn đề tăng giá điện, Bộ này phần lớn lại đứng về nhà sản xuất mà ít đứng về phía người tiêu dùng.
“Quan chức Bộ Công Thương nói “giá điện tăng, mọi người hưởng lợi” là chưa hợp ý. Cơ quan chức năng nên công tâm, đứng ở vị trí trung gian để đánh giá” - ông Long bình luận.
Cần một cuộc “đại phẫu thuật”
“Chúng tôi thấy mức độ tăng 7,5% là phù hợp với mặt bằng thay đổi thông số đầu vào, vì thông số đầu vào theo tính toán của EVN đã tăng 12,8%. Vừa qua, EVN và Bộ Công Thương cũng đã công khai các chi phí cơ bản này để người dân giám sát", ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết.
“Tôi nghĩ ngành điện lực đã cố gắng và giá thành đã công khai chi tiết cấu thành nên giá thành điện”, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính kết luận.
Tuy nhiên, ông Long chỉ ra sự phi lý khi EVN so sánh giá giữa Việt Nam và thế giới để đề xuất tăng giá điện. “EVN mới chỉ dựa vào giá đầu ra (thấp hơn giá trần khu vực) mà không dựa vào giá đầu vào của Việt Nam khá thấp, ví dụ như mức lương hiện nay của Việt Nam không bằng các nước, bảo hiểm rủi ro… cũng không bằng” – ông Long phản biện.
Theo ông Ngô Trí Long, nếu muốn người tiêu dùng đồng thuận thì phải minh bạch hơn trong chi phí và tính toán giá điện hợp lý, mà để làm được điều này thì EVN cần một cuộc “đại phẫu thuật” có sự tham gia của cơ quan tư vấn, độc lập, đủ chuyên môn, vì ngành điện hạch toán từ trên xuống dưới, nên muốn tính chính xác thì phải có cơ quan chuyên môn, kiểm toán độc lập thì mới chính xác.
“Chứ còn giờ EVN báo cáo Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương xem xét thì mọi quyết định tăng giá này chỉ chủ yếu đứng về phía doanh nghiệp sản xuất điện chứ không phải đứng về phía người tiêu dùng” – ông Long nhận định.
Lý giải về tăng thuế môi trường đối với xăng là không thuyết phục
Cũng trong cuộc tọa đàm này, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) lý giải 4 nguyên nhân tăng thuế môi trường đối với xăng thêm 2.000 đồng/ lít từ ngày 1/5, gồm Việt Nam đang tiến hành cam kết về lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng, giá xăng giảm thì nhu cầu tăng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực, Chính phủ khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
Ông Ngô Trí Long cho rằng, lý giải này của lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế không thuyết phục, bởi lẽ khoản thuế nào ra khoản thuế ấy, mỗi khoản thuế được đặt ra có mục đích khác nhau, về nguyên tắc không thể lấy cái này bù sang cái kia. Vả lại, tăng thuế môi trường tới 300% trong thời điểm này là điều rất khó thuyết phục.