Truyền hình Đức làm phim về động vật rừng Phong Nha – Kẻ Bàng

(PLO) - Hãng Truyền hình Hoferichter and Jacobs đã tiến hành các cảnh quay về quá trình thả động vật rừng về môi trường và các hoạt động khác để quảng bá các giá trị về tự nhiên, cũng như các nỗ lực trong công tác cứu hộ, bảo tồn động vật ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Cá thể khỉ mốc hòa nhập nhanh với môi trường tự nhiên sau khi được thả. Ảnh: Ngọc Kiên.
Cá thể khỉ mốc hòa nhập nhanh với môi trường tự nhiên sau khi được thả. Ảnh: Ngọc Kiên.
Tin từ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật (CH, BT&PTSV), thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), ngày 16/3 cho biết, vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm VQG này để tiến hành thả 8 cá thể động vật rừng quý hiếm về với môi trường tự nhiên sau khi hoàn tất công tác cứu hộ và kiểm dịch.
Vận chuyển các cá thể động vật để thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: Ngọc Kiên.
 Vận chuyển các cá thể động vật để thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: Ngọc Kiên. 

Nhân đợt thả động vật về môi trường tự nhiên này, đoàn làm phim của Hãng Truyền hình Hoferichter and Jacobs (là hãng tuyền hình của Đức, chuyên sản xuất phim tài liệu về những câu chuyện đặc biệt và hấp dẫn) cũng đã phối hợp với Trung tâm CH,BT&PTSV để tiến hành các cảnh quay về quá trình thả động vật rừng cũng như các hoạt động khác nhằm quảng bá các giá trị về tự nhiên và các nỗ lực trong công tác cứu hộ, bảo tồn động vật ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Các cá thể động vật được thả về môi trường tự nhiên gồm: 1 cá thể khỉ mặt đỏ, hay còn gọi là khỉ cộc (pháp danh khoa học là Macaca arctoides), 1 cá thể khỉ mốc (Macaca asammensis), 2 cá thể rùa sa nhân (Pyxidea mouhotii) và 4 cá thể cầy vòi đốm, hay còn gọi là cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus).
Các cá thể động vật được thả về sau khi hoàn tất công tác cứu hộ và kiểm dịch.
Các cá thể động vật được thả về sau khi hoàn tất công tác cứu hộ và kiểm dịch.

Các cá thể động vật rừng này do người dân bắt giữ được từ rừng rồi đưa về nuôi nhốt. Sau khi được tuyên truyền vận động, họ đã chủ động giao nộp lại cho Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Qua theo dõi của Trung tâm CH,BT&PTSV cho thấy, sau khi được thả về rừng, các cá thể động vật đã hòa nhập nhanh rất nhanh chóng vào môi trường tự nhiên.

Khỉ mặt đỏ hiện là loài linh trưởng có tên trong Sách đỏ Việt Nam, thế giới và được xếp vào hàng sắp nguy cấp, đang bị đe dọa tuyệt chủng. Theo nghị định 32/2006/NĐ-CP mà Chính phủ ban hành, nghiêm cấm các hành vi săn bắn, vận chuyển, mua bán cũng như tiêu thụ loài này. Khỉ mốc cũng có tên trong Sách đỏ Việt Nam và được phân loại sắp bị đe dọa tuyệt chủng. Rùa sa nhân cũng được xếp vào hàng nguy cấp, cần được bảo vệ./.

Đọc thêm