“Giả” giấy tờ để chuyển quyền sở hữu?

Bà Đặng Thị Ngọc Dung (phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM) và chồng là ông Đặng Văn Thanh đã được TAND quận 7 xử sơ thẩm và TAND TP.HCM xử phúc thẩm trong vụ án ly hôn. Trong đó, tài sản chung là một lô đất có diện tích 100m2 tại khu nhà ở Tân Phong, Tòa hai cấp chấp nhận hai bên tự giải quyết. Nhưng hai bên không thỏa thuận được. Năm 2009, bà Dung yêu cầu TAND quận 7 giải quyết chia tài sản chung. Tuy nhiên, ông Thanh lại nói tài sản đó là của ông, vậy đâu là sự thật?

Bà Đặng Thị Ngọc Dung (phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM) và chồng là ông Đặng Văn Thanh đã được TAND quận 7 xử sơ thẩm và TAND TP.HCM xử phúc thẩm trong vụ án ly hôn. Trong đó, tài sản chung là một lô đất có diện tích 100m2 tại khu nhà ở Tân Phong, Tòa hai cấp chấp nhận hai bên tự giải quyết. Nhưng hai bên không thỏa thuận được. Năm 2009, bà Dung yêu cầu TAND quận 7 giải quyết chia tài sản chung. Tuy nhiên, ông Thanh lại nói tài sản đó là của ông, vậy đâu là sự thật?

Nguồn gốc tài sản

Về nguồn gốc tài sản, bà Dung cho biết từ khi kết hôn, ngoài làm nhân viên văn phòng, bà còn làm thêm nghề trình dược viên; còn ông Thanh hành nghề bác sỹ công tác tại Trạm Y tế phường 5, quận 7 được một năm thì ông xin nghỉ việc để đi học. Do đó, mọi chi phí trang trải cho sinh hoạt gia đình đều do bà Dung và mẹ của bà (bà Võ Thanh Xem) lo liệu.

Ông Thanh hoàn toàn không có đóng góp gì trong việc nuôi con cũng như các khoản chi tiêu trong gia đình.

Bà Dung còn cho biết thêm: “Vào tháng 1/2002, mẹ bà Dung có nhận chuyển nhượng của bà Nguyễn Thị Thế, trú tại 14 Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM tài sản là một nền đất trong khu định cư Tân Đông, quận 7 và để cho bà Dung đứng tên giấy tờ.

Đến tháng 9/2003, bà đã chuyển nhượng lô đất này cho ông Lương Hữu Lâm với giá 835 triệu đồng. Trong khi chuyển nhượng, ông Thanh có nhận tiền đặc cọc và tiền nhận chuyển nhượng của ông Lâm.

Bởi vào thời điểm này, bà Dung và ông Thanh còn chung sống hòa thuận, chưa phát sinh mâu thuẫn, nên bà và mẹ bà tiếp tục giao cho ông Thanh tạm quản lý tiền và dùng số tiền này thực hiện hợp đồng và đứng tên nhận chuyển nhượng một lô đất khác (có ký hiệu B.41) của ông Nguyễn Hoàng Giao.

Cạnh đó, do lô đất này ông Giao nhận chuyển nhượng từ Công ty Kinh doanh nhà Kim Sơn, nên sau khi hoàn tất phần tiền bạc thì ông Thanh và ông Giao cùng đến Văn phòng Công ty Kim Sơn để làm thủ tục chuyển tên sang cho ông Thanh.

Tuy nhiên, do khối tài sản này là của mẹ bà Dung bỏ tiền ra mua, do đó sau khi thực hiện các thủ tục nhận chuyển nhượng xong, thì tất cả các giấy tờ liên quan đến tài sản này đều do mẹ tôi cất giữ – bà Dung trình bày.

Trái ngược với ý kiến của bà Dung, ông Thanh thì cho rằng, khối tài sản mà ông nhận chuyển nhượng từ ông Giao là tiền riêng của ông và của một người bạn tên nguyễn Tấn Phước (ngụ xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cùng góp mua.

Về phần mình, ông Phước – người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện dân sự “Tranh chấp tài sản chung sau ly hôn” cho rằng:

Năm 2003, ông và ông Thanh thỏa thuận hùn vốn hợp tác kinh doanh nhận chuyển nhượng lại lô đất B.41 khu nhà ở Tân Phong, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM do Công ty Kim Sơn làm chủ đầu tư – lô đất mua lại từ ông Nguyễn Hoàng Giao (ngụ phường 8, quận 3).

Trong đó, ông Phước góp 99% vốn, ông Thanh góp 1% vốn. Tôi đã cử ông Thanh giao dịch với ông Giao và đứng tên giấy tờ; do công việc tôi lúc đó bận rộn, và ông Thanh là bạn thân của tôi – ông Phước nêu trong bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng như thế.

 “Giả” giấy tờ để chuyển sở hữu?

Tuy nhiên, bà Lê Bích Đào (quận 7, TP.HCM) – người quen của bà Dung cũng có tường trình gửi cơ quan chức năng khẳng định:

“Khi biết được giữa bà Dung và ông Thanh xảy ra tranh chấp liên quan đến tài sản, nên tôi thấy cần thiết phải tường trình những gì tôi biết để phần nào giúp vụ việc được sáng tỏ”.

Cụ thể, bà Đào cho rằng “giữa ông Thanh và ông Phước trước đây không hề có quen biết với nhau. Hai bên chỉ biết nhau khi vào cuối năm 2004, ông Thanh có mâu thuẫn với ông Vũ (người hàng xóm ông Thanh), dẫn đến ông Vũ định đánh ông Thanh. Thấy vậy, nên bà Dung (vợ ông Thanh) nhờ bà Đào giới thiệu ông Phước (Cảnh sát 113) để can thiệp sự việc khi cần thiết mà thôi”.

Như vậy, việc ông Thanh và ông Phước cho rằng họ cùng là bạn thân của nhau nên hùn hạp làm ăn như đã nói trên vẫn là điều khó giải thích(?!)

Liên quan đến vụ việc này, dưới gốc độ pháp lý, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng:

Nếu ông Phước và ông Thanh “làm giả” giấy tờ để chuyển quyền sở hữu tài sản chung của bà Dung và ông Thanh cho ông Phước là có thật thì hành vi này đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, với mức giá trị tài sản chiếm đoạt hiện tại lên đến hơn 500 triệu đồng thì ông Thanh và ông Phước có thể chịu mức án đến chung thân. Trong trường hợp không có việc “làm giả” giấy tờ để chuyển quyền sở hữu mà việc kinh doanh là có thật nhưng ông Thanh và ông Phước không đăng ký kinh doanh theo quy định thì cũng là tội phạm hình sự theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự: “Tội kinh doanh trái phép”.

Vì hàng phạm pháp có giá trị hơn 500 triệu đồng nên hành vi này của ông Thanh và ông Phước có thể bị phạt tù đến hai năm.

Còn nếu xác định có dấu hiệu tội phạm, Tòa án nên chuyển hồ sơ cho Cơ quan Điều tra để xem xét khởi tố vụ án theo quy định. Sau khi có kết luận điều tra là tội phạm hình sự thì Tòa án sẽ xét xử vụ án hình sự.

 Theo đó, tất cả quyền lợi dân sự cũng sẽ được giải quyết trong vụ án hình sự này. Nếu ông Phước là cán bộ công chức và thực hiện hành vi trái pháp luật như vậy thì tư cách cán bộ công chức của ông không xứng đáng và cũng phải chịu kỷ luật thích đáng theo quy định của luật cán bộ công chức – Luật sư Hiệp cho biết thêm.

Hòa Bình

Đọc thêm