Già làng Lê Văn Ru - “Trụ cột” của bản làng

(PLVN) - Ở làng Hiệp Hội (thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định), già làng Lê Văn Ru (SN 1937, dân tộc Chăm H’roi) là người có nhiều đóng góp trong việc vận động bà con bỏ các tập tục lạc hậu. Đặc biệt, ông còn khuyên người dân không sinh con thứ 3, không rượu bia say xỉn, chấp hành pháp luật của Nhà nước...
Già làng Lê Văn Ru (giữa) đã góp phần thay đổi cơ bản đời sống của bà con làng Hiệp Hội.

Già làng Lê Văn Ru luôn gương mẫu trong việc dạy con cái cách làm ăn, học hành và chăm lo phát triển kinh tế gia đình, hòa thuận với mọi người, chấp hành mọi nội quy, hương ước ở khu dân cư và nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc.

Bản thân già Ru tích cực tham gia học tập các chủ trương, chính sách của Nhà nước để vận dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và hướng dẫn bà con địa phương cách làm ăn nhằm mục đích đem lại hiệu quả cao nhất.

Già Ru là người tiên phong đưa cây keo về với huyện miền núi Vân Canh. Vào những năm 2000, huyện đầu tư cho các xã trồng cây keo nhưng chẳng ai dám trồng vì sợ bỏ rẫy cũ sẽ không có ăn. Già Ru đã mạnh dạn trồng, bước đầu thu được hiệu quả kinh tế cao. Thấy cây keo hợp với thổ nhưỡng, già tuyên truyền bà con nên chuyển đổi cây trồng, từ đó cả làng quyết định chuyển sang canh tác cây keo trên những sườn đồi bạc màu. Già lại bắt tay chỉ việc cho từng người, bày kinh nghiệm làm ăn từng li từng tí.

Già làng Lê Văn Ru luôn vận động bà con chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ở địa phương, già Ru luôn vận động bà con sống tốt và chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là trong việc chấp hành công tác bảo vệ rừng, không khai thác, phá rừng bừa bãi, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

“Để thay đổi tập tục và thói quen của bà con, tôi đi đầu trong việc làm vệ sinh môi trường như phát dọn xung quanh nhà, xây tường rào cổng ngõ sạch sẽ thoáng mát, ăn chín uống sôi, chuồng bò chuồng heo xây cách nhà vài chục mét, sau đó thì đi vận động người dân trong làng cùng làm theo. Nhiều lúc phải nhẹ nhàng để bà con hiểu mà thực hiện và tin yêu mình”, già Ru trải lòng.

Ông Sô Lan Tài - Trưởng phòng Dân tộc huyện Vân Canh, cho biết, từ những năm đầu lập làng, con bò con heo sống chung cùng một mái nhà với người nên sốt rét, sốt xuất huyết, dịch tả hoành hành, bà con không biết nên nhà nào nhà nấy đều mời thầy cúng về bóp trứng gà để tìm ra con ma, cúng đủ thứ đến hết cả gia sản mà bệnh không bớt. Nhờ có già Ru mà sau đó bà con ở làng Hiệp Hội và các làng khác ở thị trấn Vân Canh đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Khi xây dựng nông thôn mới, già Ru còn vận động bà con hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, hiến cây xây dựng nhà rông văn hóa của làng.

Những năm qua, cùng với việc Nhà nước đầu tư nguồn lực lớn cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng như già Ru cũng được phát huy mạnh mẽ, từ đó góp phần thay đổi cơ bản đời sống của bà con. Đến nay, trong làng Hiệp Hội đã hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, xóa hết nhà tạm bợ dột nát, số gia đình thu nhập vài trăm triệu mỗi năm không còn hiếm.

Già làng Lê Văn Ru đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư từ năm 2000 - 2015; được Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Mặt trận Tổ quốc”; được Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển dân tộc và miền núi”.

Đọc thêm