Giá lợn sẽ 'sốt' vào cuối năm?

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh biện pháp tuyên truyền để người dân không bỏ tiêu thụ thịt lợn trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh hiện nay. Biện pháp này vừa giúp giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, đồng thời cũng đề phòng “sốt” do khủng hoảng thiếu vào quý 3, quý 4 vì nhiều nước xung quanh hiện giá lợn rất cao.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường giải trình tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường giải trình tại phiên họp.

Lịch sử chưa bao giờ xảy ra

Giải trình tại phiên họp của Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2019; quyết toán NSNN năm 2017 sáng nay (31/5), liên quan đến dịch tả lợn châu Phi xảy ra trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là vấn đề rất lớn, “có lẽ lịch sử chưa bao giờ xảy ra ở nước ta và ngành chăn nuôi lợn trên thế giới”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, dịch tả lợn châu Phi xảy ra đầu tiên vào năm 1921 ở Kenya. Bệnh này do một loại virus hết sức nguy hiểm gây ra, khi tấn công vào đàn lợn thường gây tỷ lệ chết 100%, lại tồn tại rất lâu trong môi trường tự nhiên, kể cả các điều kiện bất thuận.

Thêm vào đó, virus này lây truyền rất nhanh qua nhiều con đường. “Đặc biệt, đến nay gần 100 năm nhưng thế giới không có vaccine phòng và không có thuốc chữa. Vì vậy, dịch này vô cùng nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Việt Nam rất ý thức về việc này bởi trong cơ cấu nông nghiệp của nước ta, giá trị ngành nông nghiệp khoảng 1 triệu tỉ đồng, riêng chăn nuôi lợn chiếm khoảng 94.000 tỉ, tức gần bằng 10%. Vì vậy, nếu để xảy ra dịch thì rất nguy hiểm. 

Bên cạnh đó, trong cơ cấu thực phẩm, hiện nay thịt lợn vẫn chiếm tỷ trọng 70% trong cơ cấu thực phẩm về thịt trong bữa cơm hàng ngày của người dân. Đây cũng là khu vực giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ, 10.000 hộ trang trại quy mô lớn và vừa.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, khi dịch bệnh xảy ra vào ngày 23/8/2018 tại ở Trung Quốc thì ngày 30/8/2018, tức chỉ sau 1 tuần, Việt Nam đã ban hành công điện khẩn yêu cầu tăng cường các biện pháp ngăn chặn từ xa bằng các biện pháp như kiểm soát biên giới… Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành ngay Chỉ thị. 

Ngày 19/9/2018, Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo hội nghị trực tuyến ở Bộ NN&PTNT, truyền hình trực tiếp tới tất các địa phương cảnh báo, xây dựng kế hoạch chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh này…

Tuy nhiên, với tính chất đặc biệt của loại virus trên và biên giới kề cận dài tới 1.450km với Trung Quốc mà bạn hiện nay 100% các địa phương có dịch, thậm chí thiệt hại rất lớn, ngày 1/2/2019 ổ dịch tả lợn đầu tiên chính thức xuất hiện xảy ở Hưng Yên. 

“Do đặc thù của virus, với 2,4 triệu chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi liền kề với khu dân cư, đến giờ phút này, bệnh dịch lan ra 48 tỉnh, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã, với đàn lợn chúng ta phải tiêu hủy là hơn 2 triệu con, bằng 117.000 tấn, chiếm 6,5% tổng đàn lợn. Đây là thiệt hại vô cùng lớn”, Bộ trưởng Cường cho biết.

An toàn sinh học là vũ khí duy nhất

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới, với diễn biến thời tiết vô cùng phức tạp chưa bao giờ có như năm nay, với đặc thù của bệnh và điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ của nước ta, Bộ NN&PTNT dự báo nếu không có biện pháp tích cực, dịch tả lợn Châu Phi sẽ tiếp tục lan tỏa ra các vùng còn lại, đồng thời còn có nguy cơ quay trở lại các ổ dịch đã qua 30 ngày đã không còn xuất hiện.

Theo Bộ trưởng, hiện 60 xã của 22 tỉnh, khoảng 30 huyện đã qua 30 ngày không còn ổ dịch nhưng nguy cơ cảnh báo dịch tiếp tục quay trở lại. Thời gian tới, nếu không phòng trừ tốt, bệnh dịch tả lợn nguy cơ lan ra những hộ chăn nuôi lớn. “Nếu để xảy ra như vậy thì cực kỳ nguy hiểm”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

“Trước tình hính đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương với tinh thần thông điệp chung là dập dịch như diệt giặc, phòng là chính vì bệnh này không có thuốc trừ và cả hệ thống chính trị vào cuộc, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải trực tiếp là người đôn đáo, chỉ đạo tất cả các biện pháp phòng trừ ở địa phương và toàn dân tham gia thì chúng ta mới thành công được. Thủ tướng cũng xác định, phải sống chung lâu dài với bệnh này để từ đó có biện pháp tổng thể, trước mắt, trung hạn và lâu dài”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Về các giải pháp kỹ thuật, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ cố gắng tập trung ngăn chặn không để lan tỏa bệnh. Trong đó, an toàn sinh học là vũ khí duy nhất để ngăn chặn dịch.  Ở các hộ chăn nuôi lớn, cần gia cố thêm các điều kiện để đảm bảo an toàn sinh học quyết liệt hơn.

Biện pháp thứ 2 là giảm quy mô thiệt hại về kinh tế bằng các biện pháp như tuyên truyền để người dân không đối mặt với tiêu thụ thịt lợn, giúp thị trường không bị sụt giảm vì hiện vẫn còn gần 94% đàn lợn sạch, không bị bệnh.

“Đây vừa là giải pháp kỹ thuật, vừa là giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, đồng thời cũng giúp thị trường của chúng ta không bị xuống giá ở thời điểm hiện nay và đề phòng “sốt” vào quý 3, quý 4 vì khủng hoảng thiếu vì nhiều nước xung quanh hiện giá lợn rất cao rồi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương ngày 30/5 cùng Bộ NN&PTNT đã làm việc với các doanh nghiệp, các Sở Công thương họp bàn để dự trữ thịt đông lạnh. Chính phủ sẽ có chính sách khuyến khích để tăng cường biện pháp này.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, các hộ chăn nuôi lớn, nhỏ lẻ tuyệt đối không tăng đàn trong thời điểm này, kể cả hộ nhỏ và hộ lớn để giảm thiểu thiệt hại kinh tế bởi nếu tăng đàn thì nguy cơ rủi ro rất cao. 

Một biện pháp được đề cập là tập trung thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi gia cầm, thủy sản trên cơ sở nguyên tắc tăng trưởng nhưng phải có liên kết để chống rủi ro về dịch bệnh và thị trường.

Về lâu dài, cần tập trung thúc đẩy nhanh các nghiên cứu khoa học, trong đó tập trung theo hướng nghiên cứu vacccine. 

Trong giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho biết, năm 2018, Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng nông nghiệp tốt, đạt mức 3,76%; xuất khẩu nông sản đạt 40,02 tỷ USD. Đây là kết quả rất cao, biểu hiện sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, người nông dân và các thành phần kinh tế. 

Sang năm 2019, nhận định tổng quy mô kinh tế nông nghiệp chúng ta đã cao, dự báo trước tình hình thách thức, đặc biệt chiến tranh thương mại khốc liệt, cùng với những dự báo tổng tăng trưởng kinh tế thế giới liên tục giảm. Do đó, ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch tăng trưởng kinh tế khu vực nông nghiệp 3%, xuất khẩu 42%. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mục tiêu cao hơn 43 tỷ USD, chương trình Nông thôn mới phấn đấu hoàn thành 50%, chương trình phát triển bền vững là 41,85%.

Kiểm đếm đến nay, ngành nông nghiệp bước đầu vượt qua khó khăn, bước đầu đảm bảo tăng trưởng trong khu vực. Tuy nhiên, nông nghiệp truyền thống bao gồm trồng trọt, chăn nuôi có khó khăn. Trong đó, khối trồng trọt khó khăn nhất là giá nông sản của các mặt hàng cây công nghiệp xuống giá còn chăn nuôi đặc biệt khó khăn về chăn nuôi lợn do dịch tả lợn châu Phi. 

Chương trình nông thôn mới đạt 4.402 xã, đạt 49,38%, vượt đích 50% số xã trong năm nay; không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Không còn tỉnh nào có nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đọc thêm