Ngày 22/5, thông tin trên website Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam, đơn vị này đã phát thông báo chính thức áp dụng giá nước sinh hoạt mới từ kỳ thu tháng 5/2025, theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam.
Theo thông báo, giá nước sinh hoạt tại các địa phương gồm TP Tam Kỳ, TP Hội An, thị xã Điện Bàn và các huyện Phú Ninh, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành được chia thành 4 bậc, với mức giá tăng rõ rệt so với kỳ thu tháng 11/2024.
|
|
Giá nước sạch được áp dụng từ tháng 5/2025 tại các địa phương ở tỉnh Quảng Nam (màu xanh) cao hơn gần gấp đôi so với TP Đà Nẵng (màu trắng). |
Cụ thể, bậc 1 (từ 0 đến 10 m3) là 8.954 đồng/m3; bậc 2 (từ 10 đến 20 m3) là 11.177 đồng/m3; bậc 3 (từ 20 đến 30 m3) là 13.400 đồng/m3 và bậc 4 (trên 30 m3) là 15.624 đồng/m3.
Đối với các đối tượng ngoài hộ dân cư, giá nước sạch cũng có sự điều chỉnh đáng kể, đơn vị hành chính sự nghiệp phải trả 13.400 đồng/m3, đơn vị sản xuất là 14.265 đồng/m3 và đơn vị kinh doanh dịch vụ lên đến 18.959 đồng/m3.
Tại các huyện miền núi như Nam Giang và Phước Sơn, giá nước sinh hoạt được áp dụng thấp hơn so với khu vực đồng bằng, với mức bậc 1 là 7.175 đồng/m3 và bậc 4 cao nhất là 12.512 đồng/m3.
So sánh mức giá vừa được Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam áp dụng với TP Đà Nẵng, giá nước sinh hoạt tại địa phương này vẫn thấp hơn đáng kể so với Quảng Nam.
Cụ thể, từ 0 đến 10 m3, người dân Đà Nẵng chỉ phải trả 5.119 đồng/m3, tức thấp hơn Quảng Nam gần 4.000 đồng/m3. Mức cao nhất ở Đà Nẵng là 7.644 đồng/m3 (trên 30 m3), chỉ bằng một nửa so với Quảng Nam.
|
Người dân đến trả tiền nước tại xí nghiệp nước sạch Tam Kỳ vào tháng 5/2025. |
Việc giá nước sinh hoạt tại Quảng Nam tăng cao khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng. Trong khi mức thu nhập bình quân của người dân địa phương còn thấp, việc áp dụng đơn giá mới khiến gánh nặng chi tiêu hàng tháng càng thêm nặng nề.
Chị Trần Thị Hồng (ở TP Tam Kỳ) chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 người, tháng nào cũng dùng khoảng 25 đến 30 m3 nước. Với mức giá mới, tiền nước mỗi tháng tăng lên cả trăm nghìn đồng, trong khi thu nhập không tăng. Thêm vào đó là các chi phí sinh hoạt khác nữa, thực sự áp lực, nhất là vào mùa hè nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước nhiều hơn”.
Tại cuộc họp đầu tháng 5 giữa UBND tỉnh Quảng Nam, các sở ngành liên quan và Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam, đại diện doanh nghiệp cho biết việc chưa thể triển khai giá nước kỳ 3 đúng lộ trình đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tài chính. Tính đến cuối năm 2024, công ty đứng trước nguy cơ quá hạn khoản vay ODA hơn 98 tỷ đồng và còn nợ ngân sách nhà nước trên 54 tỷ đồng.
Công ty kiến nghị UBND tỉnh cho phép áp dụng giá kỳ 3 từ tháng 5/2025 để bảo đảm khả năng chi trả, duy trì hoạt động ổn định và cân đối tài chính. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đề xuất tỉnh hỗ trợ phần thiếu hụt doanh thu trong giai đoạn chưa được áp giá mới.
Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp trình bày khó khăn, thì nhiều người dân lại phản ánh về chất lượng nước sinh hoạt không tương xứng với giá cả. Gần đây nhất, vào ngày 16/5, nhiều hộ dân tại phường Hòa Hương (TP Tam Kỳ) bức xúc khi nước máy bị cắt suốt buổi sáng, đến trưa mới có lại nhưng nước có màu vàng đục, nhiều cặn và váng, không thể sử dụng.
|
Sau sự cố cúp nước, nước sạch của người dân ở phường Hòa Hương (TP Tam Kỳ) có màu vàng đục. |
Đại diện Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam lý giải nguyên nhân là do vỡ đường ống dẫn nước trong hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, người dân cho rằng sự cố tương tự đã xảy ra nhiều lần trước đó nhưng chưa được khắc phục triệt để.
Trước phản ánh từ dư luận, trong sáng cùng ngày (22/5), một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sẽ tiến hành rà soát lại mức giá nước sạch hiện hành để đánh giá mức độ phù hợp so với các địa phương lân cận, đặc biệt là TP Đà Nẵng.
Trước đó, UBND tỉnh cũng đã có công văn đồng ý cho phép Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam áp dụng mức giá kỳ 3 theo Quyết định số 2473/QĐ-UBND ngày 20/9/2022 kể từ tháng 5/2025. Tuy nhiên, tỉnh yêu cầu mức giá đối với khu vực nông thôn không được vượt quá khung giá tối đa do Bộ Tài chính quy định tại Thông báo 1250/TB-BTC ngày 27/12/2024.