Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho biết: Trước hết, hành vi để trâu, bò thả rông là hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây hại cao cho cộng đồng. Khi hậu quả xảy ra, người chủ sở hữu không thể viện lý do “không cố ý” để thoái thác trách nhiệm.
Theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ chỉ được loại trừ nếu lỗi hoàn toàn thuộc về phía nạn nhân; do sự kiện bất khả kháng hay những trường hợp quy định khác trong Bộ luật Dân sự 2015.
Như vậy, đối với trường hợp trâu, bò thả rông húc người gây thương tích vấn đề đầu tiên cần làm rõ là ai là chủ sở hữu súc vật? Và tại thời điểm sự việc xảy ra, đàn trâu, bò có được chiếm hữu, sử dụng bởi một người khác hay không?
![]() |
Luật sư Hoàng Trọng Giáp. |
Tiếp theo, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc. Nếu không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc yếu tố lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân, thì chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng gia súc phải có trách nhiệm bồi thường cho phía người bị thiệt hại.
Thiệt hại cần bồi thường bao gồm: Chi phí cấp cứu, điều trị, phục hồi sức khỏe, thu nhập bị mất hoặc giảm sút, chi phí chăm sóc người bị hại, bồi thường tổn thất tinh thần.
Việc để súc vật đi lại tự do trên đường bộ không chỉ gây nguy hiểm mà còn vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Cụ thể, theo điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người có hành vi để vật nuôi đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người, phương tiện đang tham gia giao thông có thể bị xử phạt 150.000 - 250.000 đồng.
Ngoài ra, với việc để vật nuôi tấn công người khác, trong trường hợp có xảy ra tổn hại về sức khỏe, căn cứ Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người sở hữu, chiếm hữu, sử dụng vật nuôi còn có thể bị xem xét xử phạt về hành vi vô ý gây thương tích. Mức phạt có thể áp dụng là phạt tiền 300.000 - 500.000 đồng.
Trong trường hợp người bị trâu, bò húc dẫn đến thương tích nặng hoặc tử vong, chủ sở hữu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở nơi đông người.
Cụ thể, khoản 1 Điều 295 Bộ luật này quy định, người nào vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người mà không tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp hoặc quy định pháp luật, làm chết người hoặc gây thương tích nặng thì bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Khoản 2 Điều 295 quy định, nếu làm chết 2 người trở lên hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng, hình phạt có thể lên đến 7 năm tù .
Hành vi thả rông trâu, bò trong khu dân cư, không có người kiểm soát, trong khi biết rõ súc vật có thể gây nguy hiểm, đủ yếu tố cấu thành hành vi vi phạm quy định an toàn nơi công cộng.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, gia đình người bị hại nên: Lập biên bản sự việc tại hiện trường, có xác nhận của công an xã hoặc người làm chứng. Thu thập bằng chứng: hình ảnh, camera an ninh, lời khai nhân chứng. Giữ lại toàn bộ hồ sơ y tế, chi phí điều trị, giấy chứng tử (nếu có). Gửi yêu cầu bồi thường thiệt hại đến chủ vật nuôi. Nếu không thỏa thuận được, có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường. Trường hợp có dấu hiệu hình sự (tử vong, thương tật nặng), có thể gửi đơn tố giác đến Cơ quan điều tra để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật Việt Nam đã có các quy định cụ thể và đầy đủ để xử lý trách nhiệm của chủ sở hữu súc vật trong trường hợp gây hại cho người khác. Dù không cố ý, nhưng khi để trâu, bò thả rông gây hậu quả nghiêm trọng, chủ sở hữu vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, thậm chí là hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.