Gia tăng người mắc các bệnh tiêu hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp mà tác động lên toàn bộ cơ thể, trong đó có hệ tiêu hóa. Theo thống kê, có đến 62% dân số thế giới đang gặp các vấn đề về sức khỏe tiêu hóa. Các bệnh này cũng có xu hướng gia tăng tại Việt Nam, sau đại dịch COVID-19.
Sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ người mắc bệnh đường tiêu hóa có xu hướng gia tăng.
Sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ người mắc bệnh đường tiêu hóa có xu hướng gia tăng.

Cảnh báo nóng

Tại Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe hệ tiêu hóa còn chưa được người dân chú trọng đúng mức trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tỷ lệ người mắc bệnh đường tiêu hóa cao một phần do lối sống ăn quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng, thiếu vận động thể chất, cách bảo quản và chế biến thức ăn thiếu vệ sinh, do lạm dụng rượu, bia hoặc do di truyền, các loại vi khuẩn, virus tấn công...

Một trong những căn bệnh phổ biến ở đường tiêu hóa mà người Việt Nam thường mắc phải là bệnh dạ dày. Cụ thể như bệnh viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản với tỷ lệ người mắc rất cao.

PGS. TS. BS Bùi Hữu Hoàng – Trưởng phân môn Tiêu hóa (Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh), Trưởng khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Y Dược TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Gan mật TP Hồ Chí Minh cho hay, thống kê năm 2019, tần suất người dân khám bệnh, than phiền các bệnh liên quan đến tiêu hóa lên tới 10% và ngày càng có xu hướng gia tăng, nhất là sau đại dịch COVID-19, với tỷ lệ lên tới 15% ở thời điểm hiện tại. Nguyên nhân được chỉ ra không chỉ liên quan đến chế độ dinh dưỡng bất hợp lý, mà còn do sử dụng thuốc tùy tiện, căng thẳng…

Cụ thể, PGS. TS. BS Bùi Hữu Hoàng phân tích, sau khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, người dân lạm dụng điều trị kháng sinh, kháng viêm, hay tự động bồi bổ cơ thể bằng việc uống nước cam, nước chanh, vitamin quá nhiều; rồi lo lắng khi người thân đau yếu, mất do COVID-19 đã làm gia tăng căn bệnh này trong cộng đồng…

TS. BS Lưu Ngân Tâm – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), Chủ tịch Hội Dinh dưỡng lâm sàng TP Hồ Chí Minh - HoSpen cũng cho hay, bệnh tiêu hóa có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có bổ sung dinh dưỡng bất hợp lý. Bên cạnh đó, cuộc sống hiện tại khiến người ta lo lắng nhiều hơn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Việc bổ sung thực phẩm chức năng không đúng liều lượng cũng không tốt cho tiêu hóa. Đặc biệt, tình trạng uống rượu, bia phổ biến ở người dân tác hại vô cùng lớn đến người dùng…

Đã đến lúc phải kiểm soát

Các bệnh về đường tiêu hóa không những nguy hiểm mà ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, vì nhận thức hạn chế, nhiều người đã có những hành động, việc làm sai lầm dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Ví dụ, để thanh lọc cơ thể hay giảm cân, đẹp da, rất nhiều chị em đã chia sẻ bí quyết uống nước chanh không đường vào buổi sáng, lúc đói. Đối với trường hợp này, PGS. TS. BS Bùi Hữu Hoàng đưa ra lời khuyên, khi đã có bệnh về đường tiêu hóa, cụ thể bị trào ngược mà nhịn đói, uống nước chanh sẽ rất có hại cho dạ dày. Khi đại dịch COVID-19 hoành hành, số người bị trào ngược dạ dày gia tăng do bổ sung, tăng cường quá mức vitamin C là vì thế.

Để đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh, TS. BS Lưu Ngân Tâm khuyến cáo, người dân nên tìm mua những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng liều lượng dinh dưỡng hợp lý, không nên ăn quá nhiều thịt, cần uống nhiều nước, đảm bảo hệ tiêu hóa ổn định. Đặc biệt không nên lạm dụng rượu, bia quá mức, vì đó chính là nguyên nhân khiến trào ngược dạ dày; không nên uống rượu, bia lúc đói, cũng như không nên uống kèm theo các đồ ăn ngọt…

Ngoài các biện pháp dự phòng, theo hai chuyên gia này, khi các triệu chứng về bệnh tiêu hóa (đầy bụng, khó tiêu, trào ngược…) xuất hiện thường xuyên nên nghĩ đến bị bệnh và phải đi khám. Thực tế rất nhiều người chủ quan, hay gặp các triệu chứng trên, thậm chí bị đau âm ỉ không đi khám, mà ra nhà thuốc mua thuốc về uống, sau một thời gian không đỡ, trở nặng (viêm loét, chảy máu dạ dày) mới điều trị thì đã quá muộn.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc phải kiểm soát các bệnh về tiêu hóa. Thực tế, có một số bệnh tiêu hóa thường gặp và phải kiểm soát chặt chẽ như: viêm loét dạ dày, tá tràng; trào ngược dạ dày, thực quản; viêm loét đại tràng; hội chứng ruột kích thích: triệu chứng; rối loạn tiêu hóa…

Đọc thêm