Tìm lại an yên sau “ly hôn xám”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2021, cả thế giới ngỡ ngàng khi sau 27 năm chung sống, Bill Gates và Melinda Gates đã thông báo về quyết định ly hôn của họ. Cuộc ly hôn “chấn động” thế giới này đã khiến không ít người từ giật mình, bàng hoàng chuyển sang phán xét dựa vào định kiến “ly hôn chỉ là chuyện của người trẻ”…
lSự kiện ly hôn của Bill Gates và Melinda Gates khiến thế giới ngỡ ngàng.
lSự kiện ly hôn của Bill Gates và Melinda Gates khiến thế giới ngỡ ngàng.

Tại sao những người đã lớn tuổi vẫn chọn ly hôn?

Ngay sau sự kiện ly hôn của Bill Gates và Melinda Gates nhà tâm lý học John Duffy đã có một bài viết phân tích tại trang CNN và được dịch lại trên một số tờ báo ở Việt Nam. Tuy là ý kiến cá nhân của nhà tâm lý học nhưng cũng có nhiều điều đáng để suy ngẫm.

Theo nhà tâm lý học John Duffy, trong hầu hết các cuộc hôn nhân, sau nhiều thập kỷ bên nhau, chúng ta dần quen thuộc với thói quen của mỗi người, đặc điểm riêng của gốc gác gia đình, nhịp độ làm việc trong ngày và ngay cả cách mỗi người thưởng thức một tách cà phê. Sau nhiều năm chung sống, chúng ta hiểu rõ những điểm tốt nhất nơi người bạn đời của mình, và dĩ nhiên cả những điều tệ nhất.

“Tại sao những người đã lớn tuổi vẫn chọn ly hôn? Một người phụ nữ sắp ly hôn nói với tôi rằng cô ấy nhìn thấy cuộc đời mình như từng chương sách. Và mặc dù cô ấy nghĩ rằng người chồng hiện tại sẽ là một phần cuộc sống của cô ấy trong tất cả chương sách đó, nhưng giờ đây cô ấy muốn tự viết nên cuộc đời mình, và có thể một ngày nào đó, sẽ là với một ai đó khác. Cô ấy không muốn gây nên những căng thẳng với chồng, chỉ đơn giản là muốn giải thoát để anh ấy đi tìm hạnh phúc thực sự trong những chương tiếp theo còn lại.

… Có một số lý do dẫn đến sự tan rã đã định trước này. Tôi thấy rằng các mô hình hôn nhân truyền thống không diễn ra đồng nhất ở tất cả các cặp vợ chồng, đặc biệt là ở độ tuổi trung niên. Những người này không còn cho rằng hôn nhân của họ nhất thiết phải là một cam kết trọn đời nếu nó không còn quan trọng với một hoặc cả hai.

…Một số cặp vợ chồng đã chọn ở bên nhau trong nhiều thập kỷ, cho đến khi họ 50 hoặc 60 tuổi, để tạo ra một môi trường ổn định, nhất quán và yêu thương cho bản thân và đặc biệt là con cái của họ. Một số người đã phải chịu đựng trong nhiều năm với sự cô đơn và cô lập, những cuộc hôn nhân không tình yêu, và đôi khi kèm theo cả sự khinh bỉ và oán hận dành cho vợ chồng của họ.

Đây có thể là một “bài tập” kéo dài nhiều năm, rất đau đớn và cuối cùng, có thể không mang lại lợi ích gì cho con trẻ. Những người trẻ tuổi mà tôi được làm việc thường nói với tôi rằng họ thật sự muốn cha mẹ họ hạnh phúc. Nếu ở bên nhau không mang lại điều đó, họ vẫn sẽ thấu hiểu. Và sự đổ vỡ đáng trân trọng của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc hoặc không viên mãn lại đem đến mối quan hệ lành mạnh cho con cái của chúng ta”, theo nhà tâm lý học John Duffy.

Học kỹ năng cần thiết để thích ứng với cuộc sống mới sau ly hôn

Cuộc ly hôn “chấn động” thế giới của Bill Gates và Melinda Gates đã khiến không ít người từ giật mình và bàng hoàng họ chuyển sang phán xét dựa vào định kiến “ly hôn chỉ là chuyện của người trẻ”…

Nhưng đằng sau sự phán xét ấy, hãy thử lắng nghe tâm sự của một người phụ nữ sau “ly hôn xám”: “Từ ngày lấy chồng, tôi quên hẳn rằng mình có những người bạn. Tôi dành hết thời gian, tâm trí cho gia đình với suy nghĩ chỉ cần gia đình hạnh phúc là mình có mọi thứ. Nhưng tôi đã bị chồng phụ bạc và chồng tôi kiên quyết dứt áo ra đi. Tôi tưởng mình ngã gục từ đấy. Nhưng tôi nhận ra, tại sao cuộc sống của mình, thế giới của mình lại phụ thuộc vào một người đàn ông. Cuộc sống vẫn còn nhiều điều đẹp đẽ, thú vị mà tôi chưa biết. Chính trong những tháng ngày tôi yếu lòng nhất, bạn bè, đồng nghiệp, gia đình đã ở bên, nâng đỡ tinh thần tôi. Hôm nào thấy trống trải, cảm xúc nặng nề, tôi rủ người bạn thân đi tâm sự để khóc cho thoả nỗi lòng.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Tuần nào, tôi cũng đi ra ngoài cùng bạn bè, đồng nghiệp, lúc đi xem phim, lúc đi mua sắm, lúc đi cà phê ngắm phố phường... Tôi chiều chuộng bản thân bằng việc mua những món đồ mình yêu thích mà trước kia vì tiếc tiền nên không mua. Tôi thường xuyên đi du lịch với bạn bè, gia đình và cảm thấy rất vui khi chụp những bức ảnh đẹp đăng trên facebook. Tôi thay đổi cách ăn mặc, kiểu tóc, tôi chăm sóc da và trang điểm nhiều hơn. Tôi cảm thấy tự tin với diện mạo mới của mình. Chỉ sau một thời gian ngắn, ai cũng nói tôi như “lột xác”, khác hẳn trước đây. Và tôi cũng quên luôn quãng thời gian mình từng buồn và luôn nghĩ đến những điều tiêu cực”.

Tiến sĩ Tâm lý học John Duffy, tác giả cuốn sách “Nuôi dạy con thế hệ tuổi teen mới trong thời đại lo âu” chia sẻ: “Nếu bạn không hạnh phúc trong mối quan hệ của mình, đừng cho rằng đã quá muộn để thay đổi. Hãy nói chuyện cởi mở với bạn đời về cảm xúc của bạn, những thứ mà bạn đời hoặc cả hai có thể làm để cải thiện cuộc sống hôn nhân hay thêm sức sống mới cho cuộc hôn nhân.

Cuối cùng, nếu bạn cảm thấy mối quan hệ hôn nhân của mình đã đến lúc không thể gắng gượng, hãy dành chút thời gian cùng bạn đời, bình tâm giải thích về cảm xúc của mình nếu được. Hãy để cho nhau nhớ về những thứ tốt đẹp cả hai đã có trong những tháng năm bên nhau: Con cái, công việc, những chiến thắng, thất bại, những khoảnh khắc hài hước và tình yêu. Sau đó, bạn có thể thấy hoàn toàn thoải mái giải thoát cho đối phương để hoàn thiện những “chương tiếp theo” của cuộc đời mình”.

Ở Việt Nam, “ly hôn xám” cũng là một vấn đề của xã hội. Trong tham luận “Ly hôn xám hiện nay - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp” (Nghiên cứu Gia đình và Giới số 03/2021, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới), các tác giả Vũ Thị Minh Ngọc và Nguyễn Hoàng Anh đã chỉ ra những tác động của “ly hôn xám” đến xã hội. Theo đó, xu hướng này sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của xã hội. Tan vỡ luôn ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của mỗi người. Ly hôn hạn chế năng lực sáng tạo, hiệu quả công việc của cá nhân. Một đất nước có nhiều gia đình tan vỡ, không chỉ bị ảnh hưởng về chất lượng của nguồn lực vật chất mà các hệ thống giá trị, chuẩn mực vốn có cũng bị ảnh hưởng và dần biến đổi không theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phải dành nhiều quan tâm hơn với những vấn đề về sức khoẻ, nhà ở, đảm bảo vật chất với nhóm người già cô đơn gia tăng trong những năm tới.

Nhưng nếu như ly hôn là điều không thể tránh khỏi thì người trong cuộc cần sắp xếp ổn định để sống tiếp. Mỗi người đều cần học các kỹ năng cần thiết để thích ứng với cuộc sống mới sau ly hôn.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà, người trong cuộc cần chủ động cuộc sống của mình: “Những người khó cân bằng nhất là những người sống phụ thuộc về kinh tế, tình cảm. Với người phụ nữ nên có một cuộc sống độc lập, tự chủ. Nhiều người phụ nữ khi lập gia đình chỉ biết đến chồng con mà bỏ bê các mối quan hệ khác. Kết nối với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, người phụ nữ sẽ tìm thấy nhiều điều mới mẻ ngoài 4 bức tường. Những người thân, bạn bè chính là “liều thuốc an thần” giúp mình ra khỏi những bế tắc, đau khổ. Mình sẽ không phải chịu đựng nỗi đau một mình”.

Đặc biệt, theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà, người phụ nữ sau ly hôn cần biết yêu và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Ngoài ra, chị em cần khôi phục những sở thích của mình như đi du lịch, khiêu vũ, hội hoạ... Những sở thích ấy sẽ mang lại niềm vui và khiến cuộc sống của mình nhiều màu sắc hơn...

Năm 2012, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Bowling Green State cho thấy, tỷ lệ ly hôn ở người Mỹ trên 50 tuổi tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua và hơn 2 lần đối với những người trên 65 tuổi. Cơ quan thống kê quốc gia Canada chỉ ra rằng, “ly hôn xám” đã liên tục gia tăng trong số những người từ 55 tuổi trở lên. Trong 2 thập kỷ qua ở Nhật Bản, ly hôn ở các cặp vợ chồng kết hôn được 30 năm trở lên tăng gấp 4 lần. Ngày càng nhiều người Hàn Quốc quyết định ly hôn khi đã cao tuổi. Dữ liệu của chính phủ cho thấy tỷ lệ ly hôn ở những người từ 60 tuổi trở lên đang tăng lên khi dân số Hàn Quốc trở nên già hóa.

Đọc thêm