Giá trị của kết nối

(PLVN) - Không chỉ hạn chế về “hạ tầng cứng” mà điều đáng nói là hạn chế về “hạ tầng mềm”; đó là tư duy đột phá, là chất lượng nhân lực, chưa dám nghĩ, dám làm; mức độ chuyển đổi số còn chưa cao. Đó là bất cập về phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương... Đây chính là những vấn đề cần phải liên kết, kết nối.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hôm qua (12/2), tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng.

Đây cũng là hội nghị cuối cùng triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng KT-XH trên cả nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nhất hô bá ứng, tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Nếu đánh giá về vị trí, tiềm năng, thế mạnh, thì có rất nhiều nội dung, riêng về kết nối đã cho thấy vùng ĐBSH có nhiều lợi thế. Đây là vùng có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với đầy đủ 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không và cảng biển) kết nối với 4 tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế, tạo thuận lợi phát triển các loại hình dịch vụ, đặc biệt là logistics, là điểm trung chuyển hàng hóa cho các tỉnh phía Bắc.

Năm 2020, toàn vùng đã có 496km đường cao tốc, 2.133km quốc lộ, có mật độ đường cao tốc và quốc lộ cao nhất cả nước. Trước đây đi từ Hà Nội đến Hạ Long có thể mất 3,5 - 4 tiếng, nay chỉ chưa tới 2 tiếng đồng hồ. Tốc độ, thời gian là công việc, năng suất, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa; nói gọn lại là sinh ra tiền.

Tuy nhiên, so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng. Điều đó thể hiện ở chỗ hạ tầng giao thông chủ yếu mới là đường bộ, hạ tầng du lịch còn yếu, hạ tầng đô thị phát triển chưa đồng bộ; thiếu liên kết giữa các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, nông thôn trong vùng. Bên cạnh một số “điểm sáng” như liên kết giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, việc hợp tác giữa các địa phương trong vùng nhìn chung chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.

Khi phân tích về yêu cầu kết nối trong thời kỳ chuỗi giá trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu dẫn chứng, trước đây Nam Định có ưu thế phát triển hơn Hà Nam và Ninh Bình, nhưng hiện nay Hà Nam và Ninh Bình phát triển nhanh hơn, nguyên nhân quan trọng là hạ tầng giao thông kết nối của hai tỉnh này tốt hơn. Ví dụ khác, khi Hải Phòng triển khai các công trình giao thông kết nối với Quảng Ninh và các tỉnh khác thì Hải Phòng phát triển bứt phá.

Không chỉ hạn chế về “hạ tầng cứng” mà điều đáng nói là hạn chế về “hạ tầng mềm”; đó là tư duy đột phá, là chất lượng nhân lực, chưa dám nghĩ, dám làm; mức độ chuyển đổi số còn chưa cao. Đó là bất cập về phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; phân cấp, phân quyền cho các địa phương chưa triệt để. Đây chính là những vấn đề cần phải liên kết, kết nối.

Chính vì thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý, cơ chế, chính sách để liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, hiệu quả.

Đọc thêm