Giấc mơ trở thành “công xưởng” của thế giới

(PLO) - Theo nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam đang đủ “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới…
Với sự có mặt của Samsung, Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất, lắp ráp điện thoại của thế giới. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Tiềm năng
Theo Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, trong 10 năm tới sẽ có 90 tỷ USD, gần bằng 50% GDP, đổ vào lĩnh vực chế biến chế tạo, trong khi lĩnh vực này đang chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. “Cách đây 10 năm, xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng hóa thông thường, còn hiện nay rất đa dạng, thậm chí một số mặt hàng có giá trị cao như điện thoại di động, đồ điện tử…  
Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế để phát triển nhờ vị trí gần chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lực lượng lao động dồi dào, lương và chi phí thấp. Việt Nam cũng đang cởi mở thương mại, hội nhập, ký nhiều FTA (Hiệp định Thương mại/PV)... và là quốc gia có tiềm năng thị trường lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng lên… Đây là những lợi thế để Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới...” - bà Victoria Kwakwa phân tích.
Đại diện Ngân hàng ANZ cũng cho rằng, khi nhìn vào dự  báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về các nền kinh tế hàng đầu tại châu Á tới năm 2030- 2050, nền kinh tế Việt Nam được cải thiện nhiều nhất và “rất gần” việc vượt qua Thái Lan để trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Chúng tôi cho rằng Việt Nam đang có cơ hội rất tốt để có thể có vị thế trong chuỗi giá trị và nổi lên là một nền kinh tế dẫn đầu cho một trung tâm sản xuất trong khu vực ASEAN trong những năm tới…” - đại diện ANZ khẳng định. Tuy nhiên, khuyến cáo mà đại diện Ngân hàng này đưa ra là Việt Nam cần vượt qua những lợi thế mà Thái Lan có về “chi phí chìm” và cần linh hoạt hơn, cần phải đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo nghề…
Đâu là nguồn lực?
Trong bài phát biểu của mình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung tương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ quan điểm: “Trong tương lai, chúng tôi muốn nền kinh tế phát triển theo hướng tăng cường nguồn nhân lực cao và tiếp tục theo định hướng xuất khẩu. Chúng tôi cũng chuyển dịch từ tăng trưởng đơn giản sang phức hợp hơn, sử dụng nguồn vốn, lực lượng lao động kết hợp khoa học công nghệ. Việt Nam cũng cố gắng duy trì nền nông nghiệp là ngành mạnh trong thập kỷ tới, là nước nông nghiệp mạnh…”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng ngành này tại Việt Nam tăng dần theo từng năm. Năm 2011 chiếm 50%, năm 2012 chiếm 70%, năm 2013 chiếm 76,6%, đến năm 2014 là 72%. 80/101 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh, sự phát triển của doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực này không đồng đều, chủ yếu là DN FDI trong khi DN nội lại yếu.
Cùng chung mối băn khoăn này, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Thị Thu Hằng cảnh báo: Việt Nam đang thiếu vắng các DN có quy mô vừa. Với 95- 96% DN nhỏ và siêu nhỏ (nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể thì tỷ lệ này chiếm tới trên 99,9%) các DN Việt Nam đang hạn chế khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, tính lan tỏa của các DN FDI vẫn rất hạn chế khi tỷ lệ các sản phẩm đầu vào  được mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước chỉ chiếm khoảng 26,6% tổng giá trị đầu vào.
Theo bà Hằng, nguồn lực tài chính chỉ là một phần, thiếu kiến thức chuyên môn, công nghệ và ý tưởng cũng quan trọng không kém. “Bên cạnh việc các DN Việt Nam phải liên tục nâng cao năng lực của mình, nắm bắt được xu hướng kinh doanh của các DN đa quốc gia thì rất cần có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước…” - bà Hằng lặp lại điệp khúc quen thuộc. 

Đọc thêm