Sau hai kỳ họp QH, Dự án Cảng hàng không QT Long Thành đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ĐB bày tỏ sự lo lắng về ảnh hưởng của Dự án đối với nợ công. UBTVQH cũng nhận định các ý kiến phát biểu tại Hội trường và gửi ý kiến tham gia bằng văn bản đều tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành. Một số ý kiến cho rằng do tính cấp thiết của Dự án, đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm đưa Dự án vào khai thác.
Có ý kiến cho rằng việc quy hoạch, quản lý quy hoạch, chủ trương đầu tư phải có tầm nhìn lâu dài; tăng cường công tác giám sát của các cấp, các ngành, đặc biệt vai trò giám sát của Quốc hội, kết quả giám sát cần phải công khai để người dân biết.
Nhiều ý kiến yêu cầu phải tăng tính công khai, minh bạch, tính chịu trách nhiệm, phải có những giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quá trình đầu tư, ngăn chặn không để nhóm lợi ích chi phối quá trình triển khai thực hiện Dự án; bảo đảm suất đầu tư, chất lượng, công nghệ tương đương với các cảng hàng không hiện đại khác trong khu vực; đảm bảo nguồn nhân lực vận hành, năng lực cạnh tranh và yêu cầu phải đạt hiệu quả kinh tế - xã hội.
Tiếp thu các ý kiến trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến cho rằng với mức tăng trưởng hành khách như hiện nay thì đến năm 2017 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, do vậy, đề nghị làm rõ các giải pháp để khắc phục sự quá tải này khi Cảng HKQT Long Thành đến năm 2025 mới hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1.
UBTVQH nhận định ở thời điểm hiện nay, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất tiếp tục tiến hành nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tuy nhiên, với lượng hành khách tăng trưởng như dự báo sẽ dẫn đến quá tải. Để khắc phục vấn đề này khi Cảng HKQT Long Thành chưa đi vào hoạt động, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải triển khai các giải pháp để khắc phục
Với các ý kiến cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh với các cảng HKQT hiện đại trong khu vực chưa nên đặt ra vấn đề trung chuyển đối với Cảng HKQT Long Thành vì việc trung chuyển được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Theo UBTV QH, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành trước hết là để giải quyết vấn đề quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa trong nước và quốc tế bằng đường hàng không. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án với mục đích giảm tải cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, trên cơ sở yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sẽ đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3 với quy mô công suất phù hợp.
Về các đề nghị làm rõ hơn tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, cơ cấu vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư; cần có giải pháp bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, hạn chế để nhà tài trợ vốn ODA lập dự toán vì có thể làm tăng giá thành.
Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình: Trường hợp thu hồi đất 1 lần 5.000 ha thì tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD, tăng khoảng 4.620 tỷ đồng so với phương án thu hồi 2.750 ha) với cơ cấu vốn đầu tư như sau: vốn NSNN 16.732 tỷ đồng (chiếm 14,62%), vốn ODA 29.150 tỷ đồng (chiếm 25,47%), vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước 68.567 tỷ đồng (59,91%). Để bảo đảm tính chính xác và khách quan đối với số liệu dự toán, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ sử dụng tư vấn độc lập lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.
Liên quan đến câu chuyện hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án, đánh giá tác động của việc thực hiện Dự án đối với vấn đề nợ công, an ninh tài chính quốc gia.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa quan điểm: Để đánh giá tính khả thi về mặt kinh tế của Dự án trên quan điểm nền kinh tế quốc gia, tổ chức tư vấn đã thực hiện đánh giá kinh tế dựa trên các chi phí và lợi ích kinh tế của Dự án. Theo tính toán ở bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và tính toán của Hội đồng thẩm định Nhà nước thì Dự án đạt các chỉ số khả thi.
Tuy nhiên, số liệu về hiệu quả kinh tế của Dự án sẽ được xác định chính xác khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, việc đầu tư Dự án còn mang lại các lợi ích kinh tế - xã hội quan trọng như: Góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước; góp phần nâng cao trình độ khoa học - công nghệ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm.
Về tác động của Dự án đối với nợ công, với các kịch bản được tính toán, mức độ tác động đến nợ công tối đa 0,28% GDP.
Đối với quan điểm đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư cho từng giai đoạn của Dự án. UBTVQH cho rằng Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội thì “Đối với dự án quan trọng quốc gia có tổng vốn đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện kéo dài trong nhiều năm thì Quốc hội có thể xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chung, sau đó trên cơ sở dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi), Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư cụ thể”.
Theo Điều 19 của Luật đầu tư công năm 2014 quy định về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia thì Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia; trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (Điều 39).
Như vậy, quá trình thông qua chủ trương đầu tư và triển khai Dự án phải tuân thủ Luật đầu tư công và Nghị quyết số 49 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.