Giải đáp nhiều thắc mắc về kiểm tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp

(PLO) - Từ 9 đến 11 giờ ngày 29/8, Báo Hải quan tổ chức buổi giao lưu trực tuyến trên Báo Hải quan điện tử (tại địa chỉ www.baohaiquan.vn) với bạn đọc với chủ đề “Để kiểm tra chuyên ngành không còn là “rào cản” đối với doanh nghiệp”.
Các khách mời tham gia giải đáp trực tuyến
Các khách mời tham gia giải đáp trực tuyến

Khách mời trả lời bạn đọc là ông Đỗ Văn Quang, Cục trưởng Cục Kiểm định - Tổng cục Hải quan; ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị y tế (Bộ Y tế); ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan; ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); bà Phạm Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ (Bộ Công Thương).

Hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) nhằm đảm bảo hàng hóa NK đưa vào tiêu thụ ở thị trường trong nước phải đảm bảo chất lượng và an toàn, đặc biệt là các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, thực tế hiện nay, số lượng hàng hóa thuộc đối tượng KTCN là tương đối lớn, còn có sự chồng chéo trong quản lý và kiểm tra, thời gian kiểm tra còn kéo dài gây tốn kém chi phí cho DN.

Để nâng cao hiệu quả KTCN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2016/QĐ-TTg ngày 17/11/2016 phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó đề ra nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. 

Sau một thời gian thực hiện, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ… triển khai nhiều giải pháp và đã đạt kết quả ban đầu. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít những bất cập, vướng mắc.

Hiện nay với 5.719 thủ tục, giấy phép của các bộ, ngành, DN vẫn tốn nhiều thời gian, chi phí thông quan tại cửa khẩu. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát và giảm các thủ tục KTCN từng bước giảm tỉ lệ KTCN giai đoạn thông quan từ 30-35% xuống còn 15%.

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về việc theo Quyết định 1388/QĐ-BTC ngày 20/6/2016, Cục Kiểm định hải quan được bổ sung thêm chức năng thực hiện kiểm tra về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm dịch, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK, hiện nay Cục Kiểm định hải quan đã sẵn sàng thực hiện hay chưa? Ông Đỗ Văn Quang, Cục trưởng Cục Kiểm định Hải quan cho biết: trước đây, cơ quan Hải quan làm thủ tục hải quan dựa trên cơ sở kết quả kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành chức năng như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế...

Tuy nhiên, với chức năng quản lý XNK tại cửa khẩu, cơ quan Hải quan cần phải có năng lực chuyên môn để giám định phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan. Việc này lâu nay do các Trung tâm PTPL hàng hóa XNK của Tổng cục Hải quan thực hiện. Cục Kiểm định hải quan được thành lập trên cơ sở chuyển đổi, nâng cấp từ Trung tâm PTPL và trở thành đơn vị quản lý nhà nước tham gia công tác kiểm định và kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK.  

Về quy mô, Cục Kiểm định hải quan thành lập thêm 3 Chi cục mới gồm Chi cục Kiểm định hải quan 1 (Hà Nội); Chi cục Kiểm định hải quan 5 (Quảng Ninh), Chi cục Kiểm định hải quan 6 (Lạng Sơn) để nhanh chóng hỗ trợ công tác KTCN, trong đó tập trung vào công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc khi được giao thực hiện.

Ngành Hải quan đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho Cục Kiểm định hải quan tham gia công tác KTCN trước mắt là kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm một số nhóm hàng như: Kiểm tra chất lượng mặt hàng thép và phân bón; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm gồm xác định độc tố kim loại nặng trong rau củ quả và xác định các chỉ tiêu vi sinh... Ngoài ra, Cục Kiểm định hải quan cũng được đầu tư các trạm kiểm định di động có thể linh hoạt di chuyển đến các khu vực vùng biên giới để thực hiện kiểm tra chất lượng một số mặt hàng trọng điểm.

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về việc Tổng cục Hải quan đã triển khai các hoạt động nào để thúc đẩy các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc về quản lý, kiểm tra chuyên ngành? Ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan cho biết: về phía Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã ban hành các kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 2016/QĐ-TTg và Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, thành lập Tổ chuyên trách gồm hơn 30 thành viên là cán bộ của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan nhằm triển khai Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP.

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động phối hợp với Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện các nhiệm vụ để triển khai Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP như: Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý về thực hiện công tác KTCN. Cũng theo ông Ngô Minh Hải, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã trực tiếp làm việc với Lãnh đạo một số Bộ quản lý chuyên ngành để kiến nghị về thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP…

Tại buổi đối thoại, nhiều thắc mắc của độc giả về vấn đề KTCN cũng đã được các chuyên gia giải đáp cụ thể. 

Đọc thêm