Giải pháp căn cơ với đất ven sông

(PLVN) -  Hà Nội là TP của những dòng sông, nên số lượng đất ven sông, bãi bồi là rất lớn. Theo báo cáo của UBND Hà Nội công bố cuối 2024 cho thấy, chỉ riêng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng và sông Đuống đoạn qua Hà Nội đã rộng khoảng 23.551ha, liên quan gần 364 ngàn nhân khẩu, hơn 94 ngàn hộ gia đình.
Ảnh minh hoạ.

Vì vậy, việc HĐND TP đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết quy định về hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn TP; là vấn đề rất đáng được mọi người lưu tâm.

Dự thảo có nhiều điểm mới theo hướng thông thoáng, có lợi cho người sử dụng đất bãi sông, bãi nổi. Như được sử dụng một phần đất này để xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm (khu vườn sinh thái, khu vui chơi giải trí, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm; khu công cộng, dịch vụ; khu thực hành, mô hình chăn nuôi, trồng trọt)... Người dân còn có thể xây dựng lán, trại cho người lao động; khu bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, dụng cụ; khu sơ chế, xử lý phụ phẩm nông nghiệp…

Điều kiện sử dụng đất bãi sông, bãi nổi kết hợp thương mại, dịch vụ là phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Vị trí xây dựng công trình ngoài phạm vi bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi; ngoài khu vực bãi sông có nguy cơ sạt lở, có cao độ tự nhiên bằng mực nước lũ báo động I của khu vực trở lên. Khu đất phải có tổng diện tích 300m2 trở lên và diện tích công trình không vượt quá 15%. Công trình có kết cấu bán kiên cố, dùng vật liệu thân thiện môi trường, dễ dàng tháo dỡ di chuyển, tối đa 1 tầng (cao không quá 4m)…

Những quy định trên được đánh giá là rất có lợi cho người dân, nhưng chúng ta cũng nên tham khảo những bài học, kinh nghiệm mà TP HCM đã trải qua; để có phương án đúng đắn. Là một đô thị lớn và cũng đồng thời có nhiều dòng sông, kênh rạch; khi cải tạo các con sông, bờ kênh trong quá khứ và cả hiện tại, một trong những khó khăn, tốn kém nhất TP HCM gặp phải là vấn đề giải tỏa, bồi thường, cưỡng chế những công trình tạm, những công trình lấn chiếm…

Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội ngày 19/12/2024, các đại biểu đã chất vấn những vi phạm kéo dài liên quan công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng (TTXD) khu vực bãi sông, ngoài đê. Báo cáo của 2 đoàn giám sát của HĐND TP khẳng định “số lượng vi phạm thuộc lĩnh vực đất đai (đất nông nghiệp và đất công ích, đất công) còn nhiều”. Và “qua khảo sát thực tế của Thường trực HĐND TP, hiện có một số khu vực đất xâm canh bị lấn chiếm, sử dụng không phép, các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, phối hợp quản lý”.

Kết quả giám sát cũng cho thấy số vụ vi phạm về TTXD xảy ra tại khu vực bãi sông, ngoài đê còn nhiều; việc xử lý chưa dứt điểm. Tổng số vụ vi phạm theo báo cáo là 390 (vi phạm quản lý đất đai, TTXD, đê điều, hành lang thoát lũ)…

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng với đất bãi sông, bãi bồi, ven kênh rạch, trước tiên cần có những quy hoạch chi tiết, rõ ràng, phù hợp; có sự quản lý đất đai và TTXD chặt chẽ; có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ với công tác quản lý đê điều, hành lang thoát lũ… trước khi ra những quyết định về việc sử dụng đất thế nào. Đó mới là giải pháp căn cơ, vừa bảo vệ những dòng sông và môi trường, vừa phát huy giá trị sử dụng đất.

Đọc thêm