Theo báo cáo, Công ty TNHH Acecook Việt Nam hiện có khoảng 1.500 người lao động làm việc chia làm 3 ca. Sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Công ty đã chủ động bố trí 950 người lao động thực hiện vừa cách ly vừa sản xuất trong nhà máy.
Hiện nay người lao động được bố trí lưu trú tập trung ở 5 địa điểm trong nhà máy: Khu vực văn phòng (112 người/800 m2), phòng quản lý chất lượng cũ (41 người/308 m2), hội trường nhà máy (24 người/144 m2), khu nhà xưởng 2 tầng bên ngoài khu vực sản xuất (840 người/2.800 m2), kho kinh doanh (50 người/ 250 m2). Cùng với đó công ty không tổ chức đưa đón người lao động trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Công ty có 2 khu nhà ăn tập trung và do đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp SACN chịu trách nhiệm 3 bữa/ngày. Công ty đã thực hiện một số biện pháp giãn cách tại khu vực nhà ăn như tăng số lượng ca ăn; bố trí ăn theo phân xưởng, khu vực sản xuất; lắp các vách ngăn, tấm chắn giọt bắn tại bàn ăn; bố trí ăn theo nguyên tắc 1 chiều.
Trong quá trình kiểm tra, Tổ công tác nhận định, Công ty Acecook Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác phòng chống dịch như: Khu vực lưu trú tập trung tại nhà xưởng 2 tầng bên ngoài khu vực sản xuất có diện tích mặt bằng lớn, bố trí nhiều người lao động ở các phân xưởng, bộ phận khác nhau ở chung với mật độ cao, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nếu có trường hợp F0 xuất hiện.
Khu vực nhà vệ sinh, nhà tắm chung chưa đảm bảo về số lượng, chưa thực hiện chia ca, chia tổ/nhóm theo bộ phận/phân xưởng. Nhân viên bảo vệ, lái xe giữa kho và nhà máy ở cùng với người lao động trong 1 khu vực.
Mặc dù, Công ty đã xây dựng phương án vừa cách ly vừa sản xuất an toàn tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm phương án xử trí cụ thể khi có trường hợp F0 xuất hiện tại nhà máy.
Sau khi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại Công ty Acecook Việt Nam, Tổ công tác Bộ y tế đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị: Tổ chức quản lý người lao động khép kín theo phân xưởng, tổ, nhóm (dưới 30 người) từ nơi sản xuất đến nơi ăn, ở; bố trí khu vực sản xuất riêng biệt theo nhóm không quá 30-50 người/ khu vực. Riêng đối với khu vực lưu trú tại khu nhà xưởng 2 tầng bên ngoài khu vực sản xuất cần lắp đặt thêm các vách ngăn để ngăn cách khu vực ở theo phân xưởng, tổ, nhóm (30-50 người lao động cùng làm việc ở khu vực sản xuất); hạn chế sử dụng điều hòa, tốt nhất dùng thông khí tự nhiên tại khu vực lưu trú tập trung.
Các giải pháp tiếp theo là: Chia ca, chia tổ, nhóm theo phân xưởng/bộ phận (30-50 người) sử dụng nhà tắm, nhà vệ sinh riêng, tốt nhất nên lắp đặt, trang bị thêm nhà vệ sinh, nhà tắm nếu có điều kiện; Quản lý chặt chẽ người lao động đã đăng ký ở lại nơi lưu trú tập trung theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tránh tình trạng mầm bệnh bên ngoài xâm nhập vào công ty; Xây dựng bổ sung quy trình quản lý với đối tượng lái xe, giao nhận hàng, bộ phận bán hàng… đảm bảo các nhóm này không tiếp xúc trực tiếp với người lao động khác.
Ngoài ra, xây dựng kế hoạch, phương án để bổ sung, thay thế người lao động. Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch COVID-19 trong doanh nghiệp. Đề nghị công đoàn công ty thường xuyên quan tâm, động viên, chăm lo đời sống cho người lao động. Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đại diện Tổ công tác, TS. BS. Nguyễn Đình Trung - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) - cho biết: “Qua kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty Acecook Việt Nam, nhìn chung doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ) theo phương án giãn cách, chia ca kíp đảm bảo an toàn; đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động. Tổ chức quản lý người lao động khép kín theo phân xưởng, tổ, nhóm (30-50 người lao động) từ nơi sản xuất đến nơi ăn, nơi ở để tránh lây nhiễm tréo khi có trường hợp nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần quản lý chặt hơn nữa người lao động để không giao lưu với bên ngoài, tránh nguồn lây. Bố trí những người có nguy cơ cao (bảo vệ, lái xe, người giao hàng, người bán hàng) ở riêng 1 khu vực không tiếp xúc với người lao động tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Ngoài ra, cần có phương án thay thế lao động đúng quy định tránh hiện tượng đưa những người lao động bị nhiễm COVID-19 vào doanh nghiệp.
Cũng theo TS. BS. Nguyễn Đình Trung, trong thời gian vừa quan nhiều doanh nghiệp “3 tại chỗ” đã phải xin dừng hoạt động vì không đảm bảo an toàn phòng chống dịch vì chỗ ăn, ngủ, vệ sinh không đảm bảo, thiếu hụt nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng… Tuy nhiên cần động viên đối với một số đơn vị đủ điều kiện thực hiện 3 tại chỗ để người lao động có việc làm và không ảnh hưởng đến sản xuất.