Giải pháp hợp lòng dân của Thủ tướng

(PLO) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản trả lời chất vấn của một Đại biểu quốc hội về vấn đề tuyển chọn và sử dụng nhân tài vào bộ máy nhà nước và các nội dung thắc mắc của cử tri, phản ánh của báo chí về việc “chọn người nhà” thay cho chọn “người tài” thời gian qua ở một số địa phương.
Ảnh minh họa từ internet.

Với trách nhiệm của mình, thời gian qua, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức, trong đó có việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài. 

Cụ thể, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, rà soát việc tuyển dụng, bổ nhiệm “người nhà” tại 9 địa phương, đơn vị. Đồng thời đã kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh gia đình một Phó Chủ tịch UBND huyện ở Hải Phòng có 6 người cũng giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền; người thân trong gia đình một Bí thư và Phó bí thư Huyện ủy ở Hải Dương nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt trong huyện.

Sau kiểm tra, thanh tra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương miễn nhiệm chức vụ, điều chuyển công tác, chấm dứt hợp đồng đối với trường hợp sai phạm; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác cán bộ; xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng và của pháp luật.

Thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 8/2/2017. Trong đó, Chính phủ xác định rõ nhiệm vụ: Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận thắc mắc và công khai kết quả xử lý.

Vì sao, cứ nhắm “người nhà” để tuyển dụng, bổ nhiệm? Đơn giản nhất, ai cũng hiểu là quyền lực luôn tạo ra bổng lộc, nên con đường vào bộ máy công quyền, phấn đấu trở thành quan chức; nếu như trước đây là lý tưởng, cống hiến thì hiện nay với không ít người đó là “con đường” tìm kiếm tư lợi, làm giàu.

Do vậy ngoài việc “kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế” như chỉ đạo của Thủ tướng, về lâu dài phải tiến hành bằng biện pháp “xây dựng”, xây dựng chế độ và trách nhiệm cá nhân, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh về vị trí, cống hiến và hưởng thụ.

Chúng ta ai cũng thuộc câu nói của Bác Hồ: “Cán bộ là gốc của công việc” nhưng xem chừng, mãi mãi chúng ta loay hoay. Đơn giản vì, rất ít người thoát được “cái tôi” của chính mình, gia đình mình. Một xã có “văn hóa trọng quan”, “văn hóa chức quyền” ngự trị thì chỉ có “công khai, minh bạch” mới kiểm soát được lợi dụng và lắt léo. Đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Đọc thêm