Từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đúng đắn, kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị, dập dịch. Nhân dân cả nước đã hy sinh quyền lợi, thực hiện chủ trương và chung tay dập dịch.
Thế nhưng, dịch bệnh vẫn chuyển biến rất khó lường, các ca nhiễm chéo diễn ra nhiều và khó lường hơn, hiện mất dấu nguồn bệnh đang khiến công tác phòng chống dịch trở nên khó khăn hơn. Thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã đến lúc chuyển qua giai đoạn mới.
Tiếp tục cách ly xã hội?
Ngày mai, 15/4 Thủ tướng Chính phủ quyết định có tiếp tục việc cách ly xã hội thêm 2 tuần nữa hay không. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam, bên cạnh đó là tình hình kinh tế xã hội các địa phương, đời sống người dân và nguyên nhân những ngày gần đây, nhiều người dân ra đường “kiếm kế sinh nhai” khiến việc ra quyết sách này trở nên khó khăn hơn.
Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, kiểm soát dịch bệnh là điều thấy rõ. Việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 là điều không phải bàn cãi, nhưng việc thực hiện như thế nào? giãn cách xã hội ra sao? Thì cần cụ thể để không ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Câu chuyện những người mưu sinh phải “bất chấp” nguy hiểm cho bản thân để đi chợ, bán hàng kiếm bữa ăn cho con. Hay những “người vận chuyển” bất chấp nguy hiểm vận chuyển hàng hóa cho xã hội. Những nhân viên ngân hàng giúp "dòng máu" của nền kinh tế vẫn lưu thông đều đặn, cho dù trang bị, nghiệp vụ dịch tễ không cao. Những y bác sỹ tuyến đầu hay tuyến cuối vẫn phải gồng mình chống dịch, chữa bệnh, dập dịch,… Tất cả đã để lại nhiều khoảng trống khó khăn cho những quyết sách của Chính phủ.
Chỉ thị 16 sẽ có hướng như thế nào?
Dựa trên những hiệu quả đem lại từ Chỉ thị số 16, việc cách ly xã hội để chống dịch là cần thiết, nhưng nội dung nhân dân cả nước quan tâm là tiếp tục thực hiện như thế nào?
Rõ ràng, hiệu quả của cáchly toàn xã hội trong công tác phòng chống dịch Covid-19 là thấy rõ, việc tiếp tục “cách ly” sẽ được triển khai như tính hiệu quả và tính tất yếu. Nhưng “cách ly” từ sau ngày 15/4 có thể sẽ khác.
Cụ thể, có thể không cấm việc ra đường khi không có việc thực sự cần thiết nữa, việc tăng thêm các trường hợp được ra ngoài, tăng thêm các trường hợp được kinh doanh nhưng đảm bảo yêu cầu khoảng cách. Hay cũng có thể, giải pháp cho các điểm đo thân nhiệt, khai báo y tế được sắp xếp nhiều hơn, trung thực hơn. Việc khoanh vùng, dập dịch được quyết liệt hơn như hiệu quả mà việc này đã mang lại.
Các chốt kiểm soát tại đầu các tỉnh, TP được tăng cường hơn, sát việc hơn và trách nhiệm hơn. Độ “lạnh” ở các cấp dưới cũng được giảm để sát với nhiệt độ nóng từ công tác chỉ đạo của Chính phủ.
Hiện nay, việc giãn cách xã hội, cách ly xã hội được triển khai trong cả nước. Nhưng có thiệt thòi hay là gánh nặng ngân sách không? Khi các địa phương chưa có dịch vẫn có thể hoạt động bình thường mà vẫn đảm bảo an toàn? Cuộc chiến này còn kéo dài thì việc cách ly toàn bộ xã hội diễn ra được bao lâu? Thay vì thế, nên có phương án riêng cho từng vùng, từng địa điểm tương đồng. Vừa tập trung được nguồn lực, vừa có thêm nguồn lực cho công tác “trường kỳ kháng chiến”.
Việt Nam của chúng ta đang thực hiện tốt và hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19. Chúng ta được bạn bè quốc tế, các cường quốc về kinh tế và y học phải "ngã mũ" thán phục, được WHO đánh giá cao. Đấy là thành công bước đầu, bước tiếp theo vẫn phải tuyên truyền, ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị và dập dịch. Nhưng đi kèm với đó là bỏ “bế quan tỏa cảng” giữa một nhóm ngành nghề, giữa một nhóm đơn vị hành chính hay thậm chí một nhóm người mưu sinh.
Mọi chỉ đạo tại thời điểm này đều lấy đại cuộc làm trọng, sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất. Mọi quyết định đều ảnh hưởng đến người này, người kia. Nhưng khi nhân dân ta đồng lòng, Đảng ta sáng suốt, Chính phủ quyết tâm thì kẻ nào cũng đánh thắng./.