Giải pháp nào 'gỡ khó' cho doanh nghiệp phát triển?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các chuyên gia tại Diễn đàn nhận định, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng chịu tác động xấu từ bối cảnh kinh tế thế giới, đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Vậy làm sao để tháo gỡ những khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp?
Ảnh minh họa: Báo đầu tư
Ảnh minh họa: Báo đầu tư

Sáng 19/7, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn phát triển kinh doanh: "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp".

Sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia

Tại Diễn đàn, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nhân cho rằng, những khó khăn hiện nay doanh nghiệp đang đương đầu đó là sự sụt giảm đơn hàng đặc biệt ngành dệt may, da giày, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng...; xu hướng ngày càng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu; sức mua tiêu dùng sụt giảm làm cho nguồn vốn của doanh nghiệp cạn kiệt…

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Ngọc Nga

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Ngọc Nga

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 - do ảnh hưởng của COVID-19 thời điểm đó.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ 2022.

“Tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Điều này đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới, nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Ngọc Nga

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Ngọc Nga

Cũng theo ông Phòng, bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước. Do đó, vấn đề sức khoẻ của nền kinh tế, của doanh nghiệp cần được hết sức quan tâm.

Cần phối hợp nhuần nhuyễn các quy định tạo sức mạnh tổng lượng giúp doanh nghiệp phát triển

Cũng tại Diễn đàn TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải phối hợp hết sức nhuần nhuyễn theo quy định pháp luật và tạo ra sức mạnh tổng lượng để giúp các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, ngày 21/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Bên trong bất kỳ khủng hoảng nào, những giai đoạn khó khăn nhất cũng có thể nảy sinh những ý tưởng mới và không gian phát triển mới dành cho những doanh nghiệp biết tận dụng.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: Ngọc Nga

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: Ngọc Nga

Đại diện các Viện nghiên cứu, chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn cũng chia sẻ thêm những xu hướng, cơ hội mới từ kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2023 và đầu 2024 để doanh nghiệp nắm bắt, thích ứng và phục hồi, phát triển. Từ đó, kiến nghị các nhóm giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, cũng như gỡ khó cho doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ phải có chương trình đối phó ngắn hạn với tình hình khó khăn hiện nay, trong đó tập trung vào hai công cụ chính là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, có giảm thuế GTGT. Bên cạnh đó, cần phải điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là áp dụng các nguyên tắc về thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân các nhà đầu tư và thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài. Cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường mới, cũng như cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.

Cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Phát huy tối đa năng lực từng bước vượt qua mọi khó khăn, khẳng định vị thế kinh tế Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

Đọc thêm