Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra chuyên đề năm 2022 đối với 4 doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nhân thọ. Đây là thanh tra chuyên đề về hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng, thuộc kế hoạch thanh tra của Bộ Tài chính. Kỳ thanh tra tập trung vào các hoạt động của doanh nghiệp thuộc năm tài chính 2021, có xem xét thêm các kỳ liên quan.
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký IAV cho rằng đây không phải kết quả của riêng 4 DN mà cả ngành bảo hiểm có thể soi chiếu. Những lỗ hổng được phát hiện chính là những trọng tâm mà DN bảo hiểm đã và đang chủ động tập trung cải thiện.
Doanh nghiệp đã rà soát, chấn chỉnh
Theo ông Dũng, các DN bảo hiểm đã hành động ngay lập tức dựa trên diễn biến thị trường, thay vì chỉ “ngồi đó” và chờ đợi kết luận từ cấp quản lý. Ngay khi trong 24 tiếng khách hàng có khiếu nại, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã rà soát hợp đồng của khách hàng, nhanh chóng đưa ra các giải pháp phù hợp và có bước “tư vấn lại, giải thích thêm” cặn kẽ các thông tin mà khách hàng chất vấn. Các hotline giải quyết khiếu nại được công bố rộng rãi.
Đối với đại lý vi phạm, theo báo cáo nhanh của 4 DN, tất cả các đại lý bảo hiểm vi phạm kết luận thanh tra đều đã được xử lý ngay từ lúc phát hiện, không chờ đến khi công bố kết luận.
“Có DN đã chủ động làm việc ngay với đối tác ngân hàng để chấn chỉnh những sai sót từ phía ngân hàng, trong đó có việc thành lập cơ quan quản lý chuẩn mực ứng xử khách hàng với thành viên của cả hai bên…” - Phó Tổng thư ký IAV cho hay.
Đồng thời cho rằng, quá trình rà soát, điều chỉnh sẽ diễn ra liên tục như một chiến lược tại các DN bảo hiểm nhằm thúc đẩy thị trường lành mạnh, nâng chất lượng mọi khâu, đảm bảo quyền lợi cao nhất của khách hàng.
Khách hàng là trung tâm
Dưới góc độ người tiêu dùng, theo đại diện IAV, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua 20/6/2023, yêu cầu bên cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm phải giải thích rõ ràng các điều khoản cho khách hàng. Những yêu cầu này đã được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm.
“Nhìn sâu hơn, từ trước khi Luật bảo vệ người tiêu dùng được thông qua, về bản chất, người tiêu dùng tại Việt Nam cũng giống như tại bất kỳ nước nào, khi mua bảo hiểm nhân thọ, đều đã được đảm bảo quyền lợi với sự minh bạch trong hợp đồng, trong các điều khoản, trong mọi số liệu được cung cấp cũng như các quy định về quyền lợi, nghĩa vụ tài chính, lợi nhuận được nhận hay các trường hợp rủi ro phải chấm dứt hợp đồng…” - Phó Tổng thư ký IAV Ngô Trung Dũng phân tích.
Cũng theo ông Dũng, bên cạnh đó, các DN bảo hiểm đã và đang triển khai nhiều hoạt hướng bảo vệ tới lợi ích cho khách hàng, lấy lại niềm tin để ngành bảo hiểm nhân thọ phát triển lành mạnh, bền vững.
“Cụ thể, có DN đã nghiên cứu ra mắt ra bộ hợp đồng rút gọn chỉ chục trang với các thông tin quan trọng để khách hàng dễ dàng nắm bắt. Hợp đồng điện tử với “chứng nhận bảo hiểm số” mà không cần in ra giấy cũng được triển khai. Khi những điều chỉnh này hoàn thiện và được ứng dụng sẽ tạo nên đột phá cho ngành bảo hiểm, phù hợp với xu thế số hóa DN bảo hiểm…” - Phó Tổng thư ký IAV quả quyết.
Cùng với đó, các DN cũng đang nỗ lực xóa “điểm mờ” trong chất lượng tư vấn của các đại lý bảo hiểm thông qua rà soát các hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các tổ chức, cá nhân; kiểm soát hoạt động của tổ chức đại lý bảo hiểm, đảm bảo đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 125 Luật Kinh doanh Bảo hiểm.
Liên tiếp các hoạt động tổ chức đào tạo và cập nhật kiến thức cho nhân viên trực tiếp tại các đại lý bảo hiểm đã được diễn ra, đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ mua hàng ẩn danh (mystery shopping) để đánh giá chất lượng tư vấn.
“Có thế nói, sau những sự cố thời gian qua, đặc biệt với sự sát sao của các cấp quản lý, thị trường bảo hiểm nhân thọ đang có chuyển biến lớn mang tính đột phá…” - Phó Tổng thư ký IAV nhấn mạnh.