Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các làng nghề của Việt Nam

(PLVN) - Vừa qua, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức Hội nghị: “Hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc” nhằm tạo điều kiện, cơ hội gặp gỡ giữa các nhà phân phối và người tiêu dùng trong các tỉnh có nhu cầu lớn, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Các làng nghề truyền thống và doanh nghiệp ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác.

Hội nghị được tổ chức với mục đích chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn, trở ngại trong thực tiễn quá trình triển khai công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm làng nghề.

Đây cũng là cơ hội để các Bộ, ban, ngành, địa phương và các cơ sở sản xuất làng nghề, các nghệ nhân, hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trao đổi, đề xuất một số biện pháp khuyến khích phát triển những sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của các vùng miền, tỉnh thành phố trong cả nước; xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm làng nghề giữa các doanh nghiệp, hộ sản xuất, HTX... với các đối tác, chuỗi phân phối.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết: Việc hợp tác, kết nối thương mại, tiêu thụ sản phẩm là một trong những hoạt động cần thiết để cụ thể hóa Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ đầu ra của sản phẩm cho các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất nhằm tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; đề xuất chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển và tiêu thụ sản phẩm làng nghề, xây dựng thương hiệu làng nghề cũng như giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các làng nghề của Việt Nam. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.

Đại diện các làng nghề trao đổi tại Hội nghị

Được biết, trong khuôn khổ Hội nghị lần này, các chuyên gia đã cùng nhau chia sẻ và hỗ trợ các hộ sản xuất cũng như các làng nghề về quy luật để tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh các làng nghề, duy trì và bảo tồn nghề truyền thống của địa phương.

Đồng thời, ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các làng nghề truyền thống và doanh nghiệp trên cả nước, tăng cường đưa các sản phẩm làng nghề vào giới thiệu, tiêu thụ tại các điểm du lịch, các chuỗi siêu thị, khu tham quan… và xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới.

Đọc thêm