Hội nghị có sự tham dự của ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương.
Kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX), là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Trong những năm qua, phát triển KTTT, HTX luôn là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Mới đây, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. Nghị quyết nêu rõ “KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển KTTT là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”.
Nhấn mạnh về định hướng công tác tuyên truyền trong giai đoạn mới, phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm khắc phục định kiến về mô hình HTX kiểu cũ, hoài nghi về mô hình HTX kiểu mới, bác bỏ luận điệu xuyên tạc đòi xóa bỏ kinh tế tập thể. Cùng với đó, cần đề cao vai trò của cấp uỷ chính quyền về KTTT, HTX, phát huy tinh thần tự chủ, tự giác về kTTT, tuyên truyền mô hình KTTT có hiệu quả; phản ánh quá trình rà soát, bổ sung về cơ chế, chính sách pháp luật; tuyên truyền vai trò hệ thống liên minh HTX Việt Nam từ Trung ương đến địa phương…
Ông Lê Hải Bình, Uỷ viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị. |
Cũng tại Hội nghị, ông Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, quan điểm, chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân được thể hiện thống nhất và xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng. Trong đó, phát triển KTTT đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân theo đúng mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.Trong hơn 20 năm qua (2002 - 2022), Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, của Ban Chấp hành Trung ương “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT”, đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động, phát triển KTTT đến nay vẫn còn tồn tại một số vấn đề từ thực tiễn. Cụ thể, chưa tạo bước chuyển biến căn bản trong nhận thức và tư duy lý luận về KTTT, còn có những điểm chưa thống nhất, nội dung chưa rõ, chưa thấy được tính quy luật chung và tính đặc thù của sự hình thành, phát triển KTTT ở nước ta trong thời kỳ mới. Môi trường thể chế, chính sách chưa đủ mạnh, chưa mang tính đột phá để thúc đẩy phát triển KTTT; chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phát triển HTX được ban hành nhiều nhưng tính khả thi thấp, thiếu nguồn lực triển khai, tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ...
Một số sản phẩm tiêu biểu của khu vực KTTT, HTX trưng bày tại Hội nghị. |
Trong thời gian tới, ông Bùi Trường Giang đề nghị, cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, thống nhất, nâng cao nhận thức, hình thành hệ thống lý luận nền tảng về “KTTT”, “kinh tế hợp tác”, HTX trong thời kỳ mới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực KTTT. Hoàn thiện đồng bộ chính sách thúc đẩy, hỗ trợ, cơ chế huy động, bảo đảm các nguồn lực phát triển KTTT, kinh tế hợp tác, HTX.
Ngoài ra, cần sửa đổi căn bản Luật HTX năm 2012, trong đó chú trọng bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm những nguyên tắc, bản chất giá trị tốt đẹp của HTX; bảo đảm vừa định hướng, khuyến khích hoạt động khu vực HTX về đúng bản chất là phục vụ thành viên, phát triển thị trường nội bộ, vừa tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho HTX, liên hiệp HTX tham gia, mở rộng thị trường giống như doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác; bảo đảm quyền tự do hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh bình đẳng của HTX…
Nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trong đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của HTX; hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai nhằm thúc đẩy phát triển HTX đáp ứng yêu cầu mới; tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, HTX...