19 lô đất được đấu giá tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên đã có hạ tầng đường giao thông, điện, thoát nước; cách vành đai 4 khoảng hơn trăm mét; và theo kế hoạch của TP thì sang năm 2025, huyện Hoài Đức sẽ lên quận. Nhưng đó không phải là những yếu tố đặc biệt. Có thể khẳng định khu đất không “đắc địa”, vì còn rất nhiều khu đất khác tại Hoài Đức và các huyện ngoại thành Hà Nội có nhiều hơn các yếu tố như vậy. Đó là lý do giá khởi điểm chỉ 7,3 triệu đồng/m2.
Thế nhưng, phiên đấu giá đã kéo dài 18 tiếng đồng hồ, trải qua 10 vòng trả giá, bắt đầu với trên 400 người tham gia. 19 lô đều đấu giá thành, trong đó lô cao nhất trúng với giá 133 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm. Lô đất này rộng 113m2, được trả giá với con số “khủng khiếp” gần 15,1 tỷ đồng. Dù chưa rõ người trúng đấu giá sẽ nộp tiền không, hay chỉ “trả giá chơi” rồi bỏ cọc, nhưng đây là con số được nhiều ý kiến đánh giá “hoang tưởng”. Nếu có 15 tỷ đồng, ai bỏ ra để mua hơn 100m2 đất ngoại thành cách trung tâm Hà Nội gần 25km, mất hàng tiếng đồng hồ đi xe?
Dư luận lập tức đặt ra nghi vấn một số hội nhóm, “cò” đất “thổi” giá. Đây là hiện tượng không mới, vài năm trước “cò” đất từng gây nhiễu loạn thị trường một số nơi tại Thái Bình, Bình Phước, TP HCM… Vì vậy ngày 22/8, UBND Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp kiểm tra việc đấu giá đất, lập tức xử lý nếu phát hiện vi phạm. Cùng ngày, Bộ TN&MT cũng lập đoàn kiểm tra.
Có một câu hỏi cần phân tích kỹ, là vì sao hiện tượng “thổi” giá đất này vẫn tái diễn? Một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc không chỉ Hà Nội, mà cả TP HCM và nhiều địa phương khác chưa ban hành được bảng giá đất hàng năm sát với giá thị trường. Điều 158 Luật Đất đai 2024 quy định bỏ khung giá đất, việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc thị trường. Trước đây, khung giá đất được ban hành định kỳ 5 năm/lần, là căn cứ để cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất tại địa phương. Bỏ khung giá đất đồng nghĩa việc các tỉnh, thành được tự quyết định bảng giá đất. Nhưng luật mới đã có hiệu lực từ 1/8/2024, mà bảng giá đất mới vẫn chưa có. Thực tế ở khu đất trên, giá thị trường cao hơn con số 7,3 triệu đồng/m2 là giá khởi điểm. Nhận thấy cơ hội “ngon ăn”, nhiều người lao vào tham gia đấu giá và một số đối tượng “thổi” đến mức khủng khiếp, “già néo đứt dây”.
Sự kiện trên còn cho thấy vẫn còn nhiều người mang tâm lý “ăn xổi ở thì”, “buôn nước bọt” đầu cơ đất, kỳ vọng kiếm lời “đổi đời” từ “lướt sóng” đất. Trong khi lẽ ra dòng tiền cần phải được lưu thông trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, không ứ đọng trong đất.
Những hành vi “thổi” giá đất cần phải xử lý nghiêm, tránh gây ra các hệ lụy đẩy mặt bằng giá đất lên cao; tránh tạo xu hướng đầu cơ đất; tránh gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản. Và để các đối tượng “thổi” giá không còn đất sống, trong Công điện 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ: TN&MT, Xây dựng, Tài chính sớm hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương về các chính sách mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Giải quyết được tận gốc vấn đề như vậy, sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.