Giải quyết việc làm cho trên 11.000 lao động ở Vĩnh Phúc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho 11.062 lao động.
Người lao động có nhiều cơ hội tìm hiểu thông tin việc làm tại phiên giao dịch việc làm lưu động (Ảnh: Cổng thông tin Vĩnh Phúc)
Người lao động có nhiều cơ hội tìm hiểu thông tin việc làm tại phiên giao dịch việc làm lưu động (Ảnh: Cổng thông tin Vĩnh Phúc)

Theo đó, tỉnh đã giải quyết 2.134 việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; 5.255 việc làm trong khu vực công nghiệp; 3.228 việc làm khu vực dịch vụ; 445 người đi xuất khẩu lao động. Số lao động nghỉ giãn việc trong tháng là 295 lao động; lao động thôi việc, mất việc là 1.866 lao động.

Để có được kết quả trên, từ đầu năm đến nay các chính sách giải quyết việc làm tiếp tục được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung phát triển thị trường lao động, đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm, an toàn, vệ sinh lao động và triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ giải quyết việc làm, như: Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 22/01/2024 về việc triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024; Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 22/02/2024 về triển khai thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024; Kế hoạch số 26/KH-BCĐ ngày 20/01/2024 của Ban chỉ đạo giải quyết việc làm tỉnh về giao chỉ tiêu giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024…

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Lao động đến người sử dụng lao động và người lao động nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật về chính sách lao động, việc làm.

Sở cũng chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, rà soát, cập nhật thông tin thị trường lao động, thực hiện linh hoạt các hình thức kết nối lao động, việc làm, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động để phối hợp trong tuyển dụng, đào tạo và sử dụng lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh mở rộng, hợp tác thị trường lao động nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến tuyển chọn lao động tại tỉnh để cung ứng đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ việc làm đối với người lao động, đặc biệt là những lao động thuộc hộ chính sách để tạo việc làm bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với chính sách về thị trường lao động, trong năm 2024, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng ban hành nhiều chính sách về an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Điển hình là Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 29/01/2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2024; Kế hoạch số 29/KHUBND ngày 29/01/2024 giám sát, đánh giá thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024. Theo đó, tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 60.891 đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội, trong đó: Người có công 17.331 đối tượng; Đối tượng Bảo trợ xã hội có 43.560 người.

Đọc thêm