Không ảnh hưởng đến quyền cư trú của công dân, nhưng có thể hạn chế sức ép dân cư lên hạ tầng đô thị của Thủ đô đang trong tình trạng quá tải luôn là bài toán khó cho Ban soạn thảo Dự án Luật Thủ đô (LTĐ) .
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp. |
Tạm trú liên tục 2 năm mới được đăng ký thường trú
Mật độ dân số quá cao là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những yếu kém của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng và quản lý xã hội của TP.Hà Nội. Đa số các chuyên gia đều nhất trí với qui định tại điều 21 dự thảo LTĐ, “công dân đang tạm trú được đăng ký thường trú tại nội thành nếu có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 2 năm trở lên”. So với Luật Cư trú, qui định này “cao” hơn (Luật Cư trú quy định 1 năm trở lên).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc qui định thêm một số điều kiện đăng ký thường trú “chỉ áp dụng đối với công dân thuộc diện tạm trú và chỉ áp dụng ở nội thành”, các trường hợp khác vẫn thực hiện theo Luật Cư trú. “Như vậy sẽ tránh hiểu lầm là LTĐ không cho đăng ký thường trú ở Hà Nội đối với các trường hợp qui định tại khoản 2,3,4 Điều 20 Luật Cư trú”.
Không chỉ có vậy, khoản 1 điều 21 dự thảo LTĐ còn qui định “nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú”. Theo lý giải của ông Lê Thành Long, bổ sung như vậy để tránh tình trạng tạm trú một nơi nhưng lại đăng ký thường trú ở một nơi khác, gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư.
Thu nhập ổn định phải xuất phát từ việc làm hợp pháp
Có nên quy định phải có việc làm hợp pháp, thu nhập ổn định... mới được nhập cư cũng là vấn đề được quan tâm. Ông Kiều Đình Thụ (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) nhận thấy, hiện chưa có công cụ kiểm soát thu nhập, nên đưa ra điều kiện về thu nhập ổn định mà không có công cụ kiểm soát thì “mục đích để Hà Nội kiểm soát dân cư qua thu nhập khó thành hiện thực”.
Trong khi vẫn còn ý kiến lo ngại về tính khả thi của điều kiện về việc làm, thu nhập, bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công thương) cho rằng, không thể hạn chế việc đăng ký thường trú của người không có việc làm ổn định hay có việc làm nhưng thu nhập không ổn định nếu không qui định rõ trong LTĐ. Vấn đề đáng lưu ý là thu nhập ổn định phải xuất phát từ việc làm hợp pháp vì “không thể chấp nhận những người có thu nhập ổn định từ những hoạt động bị pháp luật cấm như buôn bán hàng cấm, hoạt động mại dâm…”.
Tán thành quan điểm điều kiện nhập cư vào Hà Nội, nhất là ở khu vực nội thành, phải khác các khu vực khác, ông Nguyễn Văn Pha (Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) đề nghị, có chính sách ưu tiên cho những người có trình độ cao về khoa học kỹ thuật, công nhân có trình độ cao khi muốn đăng ký thường trú tại nội đô Hà Nội. Đồng thời lưu ý, qui định về thu nhập và việc làm chỉ áp dụng đối với những người đang ở độ tuổi lao động, “chứ qui định cho cả cha mẹ già, con nhỏ của người đó cùng nhập cư là bất hợp lý”…
* Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: “Phải thắt chặt hơn nữa điều kiện đăng ký thường trú vào các quận nội thành theo hướng bổ sung thêm điều kiện “có việc làm hợp pháp hoặc có thu nhập ổn định”. Có như vậy mới hạn chế được các yếu tố mất trật tự, an toàn xã hội và gánh nặng cho chính quyền TP từ số người thường trú ở nội thành không có việc làm hoặc không có thu nhập ổn định”. * Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Phương án bổ sung hay không điều kiện về việc làm và thu nhập đối với những người muốn đăng ký thường trú tại nội đô đều có ưu, nhược điểm. Đa số đang nghiêng theo phương án chỉ cần có nơi ở hợp pháp, song xét trong điều kiện dân cư của Hà Nội thì điều kiện việc làm và thu nhập cũng rất chính đáng. Do vậy, cần phải tính sao cho hợp lý và lưu ý đến những người không trong độ tuổi lao động”. * Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo: “Mục tiêu của quản lý dân cư là hạn chế nhập cư, giảm mật độ và sức ép lên hạ tầng, không vì thế mà vi phạm nhân quyền. Trong số các điều kiện để được đăng ký thường trú ở nội thành, thì “có nhà ở là quan trọng nhất” vì không thể để trường hợp không có nơi cư trú thì vác chiếu ra nằm ở Bờ Hồ”. |
Huy Anh