Giải tỏa vướng mắc pháp lý cho bà con phường Ngọc Khánh

(PLVN) - Ngày 14/6, tại trụ sở phường, UBND phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý năm 2019 với nội dung trọng tâm tuyên truyền là chế định thừa kế trong Bộ luật Dân sự 2015. 
Đông đảo bà con nhân dân phường Ngọc Khánh tham dự hội nghị
Đông đảo bà con nhân dân phường Ngọc Khánh tham dự hội nghị

Dự hội nghị, ngoài đại diện lãnh đạo phường còn có khách mời là các trợ giúp viên Chi nhánh số 2 Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP Hà Nội, các luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Hằng Nga (ĐLS Hà Nội) và đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn. 


Bà Lại Thị Thúy Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh phát biểu khai mạc
Bà Lại Thị Thúy Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh phát biểu khai mạc 

Hội nghị đã được nghe báo cáo viên - Luật sư, Thạc sĩ Trịnh Như Ý (VPLS Hằng Nga) tuyên truyền những nội dung cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015 về chế định thừa kế như: hàng thừa kế, thời hiệu thừa kế, di chúc như thế nào là hợp pháp, thế nào là thừa kế theo di chúc, thế nào là thừa kế theo pháp luật.v.v.

Thạc sĩ, Luật sư Trịnh Như Ý (VPPL Hằng Nga, ĐLS Hà Nội)
Thạc sĩ, Luật sư Trịnh Như Ý (VPPL Hằng Nga, ĐLS Hà Nội) 

Hội nghị cũng được nghe bà Văn Thị Thu Trang – Trưởng Chi nhánh số 2 Trung tâm TGPL TP Hà Nội chia sẻ, giải đáp những thắc mắc về những tình huống pháp lý cơ bản, điển hình thường gặp trong thực tiễn cuộc sống liên quan đến lĩnh vực thừa kế. 

Bà Văn Thị Thu Trang - Trưởng chi nhánh số 2 Trung tâm TGPL Hà Nội

Bà Văn Thị Thu Trang - Trưởng chi nhánh số 2

Trung tâm TGPL Hà Nội

Hội nghị trở nên đặc biệt sôi động khi đến phần giải đáp, tư vấn trực tiếp. Dưới hội trường, một bác giơ tay xin được hỏi: Vợ chồng chị gái tôi có một chỉ có một người con trai duy nhất, chị tôi băn khoăn liệu có phải viết di chúc để lại tài sản cho con hay không? 

Tình huống này được Luật gia, trợ giúp viên Thu Trang trả lời: Tâm lý chung của người già là muốn sau này khối tài sản của mình chỉ dành cho con đẻ của mình được hưởng. Liệu chị của bác có dám chắc chồng mình không có người con riêng nào khác? Vậy nên để chắc chắn, khi còn minh mẫn các cụ nên làm di chúc. 

Một cô đưa ra tình huống: "Một bác nọ vì không ưa người con trai cả nên khi viết di chúc đã không cho con trai cả được hưởng thừa kế, trong khi hoàn cảnh của người này khó khăn, bệnh tật. Xin hỏi người con trai cả có thể kiện đòi được chia di sản hay không?" Thạc sĩ, Luật sư Trịnh Như Ý giải đáp: “Người con trai cả chỉ được đòi chia thừa kế nếu thuộc trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định tại Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”. 

Nội dung và hiệu quả thiết thực của buổi tuyên truyền khiến người dân hài lòng
Nội dung và hiệu quả thiết thực của buổi tuyên truyền khiến người dân hài lòng  

Còn rất nhiều những rắc rối pháp lý thú ví, những tình huống thường gặp trong cuộc sống được người dân chia sẻ, trình bày đã được các luật sư, trợ giúp viên nhiệt tình hướng dẫn, giải đáp tại chỗ khiến bà con rất hài lòng…

Bà Lại Thị Thúy Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh chia sẻ: “Những hội nghị tuyên truyền, trợ giúp pháp lý miễn phí như thế này được phường tổ chức định kỳ và tập trung tuyên truyền theo một chủ đề cụ thể nhằm kịp thời giải tỏa những vướng mắc pháp lý (nếu có) cho bà con ngay từ cơ sở, đồng thời bồi dưỡng kiến thức pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con. Hiệu quả là ý thức chấp hành pháp luật của bà con được nâng cao, những mâu thuẫn, xung đột được giải quyết từ cơ sở, từ đó hạn chế được những ứng xử tiêu cực trong cộng đồng…” 

Đọc thêm