Giám định tư pháp: Góp phần giải quyết triệt để các vụ án kinh tế, tham nhũng

(PLVN) - Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, góp phần vào việc giải quyết các vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Đặc biệt, trong giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, hoạt động giám định tư pháp là vô cùng quan trọng nhưng đòi hỏi sự phối hợp, thống nhất của các cơ quan liên quan.
Giám định tư pháp: Góp phần giải quyết triệt để các vụ án kinh tế, tham nhũng

Cung cấp nguồn chứng cứ khoa học, tin cậy

Để đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng cũng như nhu cầu giám định của cá nhân, tổ chức, pháp luật về giám định tư pháp (GĐTP) cũng từng bước được hoàn thiện. Cùng với Luật GĐTP, việc Quốc hội ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Tố tụng hành chính 2015, các luật liên quan khác và các Thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn thực hiện Luật GĐTP đã tạo sự liên thông, đồng bộ giữa quy định của pháp luật về GĐTP với quy định của pháp luật về tố tụng, là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GĐTP, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng.

Vai trò của hoạt động GĐTP đối với hoạt động tố tụng là sự đóng góp tích cực, thể hiện trong việc cung cấp nguồn chứng cứ khoa học, tin cậy giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong hoạt động chứng minh theo quy định của pháp luật tố tụng, góp phần quan trọng vào việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, thể hiện mục đích của tố tụng hình sự là bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Tương tự, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015 cũng có những quy định thể hiện trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính phải trưng cầu giám định trong trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự (Điều 79, Điều 102, Điều 103 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Điều 89, Điều 90 Luật Tố tụng hành chính 2015).

Như vậy, có thể nói hoạt động GĐTP đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các hoạt động tố tụng khác một cách chính xác, khách quan.

Cần sự phối hợp, thống nhất của các cơ quan liên quan

Chính từ vị trí, vai trò quan trọng này mà những vướng mắc trong khâu GĐTP đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết xử lý các vụ việc, vụ án, đặc biệt là án tham nhũng, kinh tế. Điển hình, trong vụ án Phan Văn Anh Vũ cùng các đồng phạm thâu tóm 7 dự án đất công sản tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, cách tính thiệt hại trong vụ án này của các cơ quan tiến hành tố tụng gây tranh cãi. Viện kiểm sát cho rằng, hành vi của bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1.160 tỷ đồng. Con số này được tính bằng cách định giá các bất động sản trên ở thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7/2/2018). Sau đó, thiệt hại của Nhà nước được tính bằng cách lấy giá trị đất, giá trị cho thuê ở thời điểm vừa nêu trừ đi số tiền thực mà hai công ty mà Vũ bỏ ra mua, thuê. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên ngày 30/1/2019 nhận định, thiệt hại là hơn 135 tỷ đồng. Tòa cho hay, Cơ quan điều tra đã yêu cầu định giá tài sản tại thời điểm hành vi phạm tội và thời điểm khởi tố vụ án. Sau cùng, thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

Nhiều ý kiến của chuyên gia pháp luật cho rằng, đối với các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, việc xác minh và chứng minh động cơ vụ lợi của các bị cáo cần được làm rõ. Căn cứ để xác định cấu thành hành vi phạm tội, định khung tăng nặng hay giảm nhẹ liên quan đến việc có thiệt hại hay không thiệt hại. Thực tế, những thiệt hại này tính được bằng tiền và sau khi hành vi phạm tội hoàn thành thì thiệt hại vẫn xảy ra…

Bên cạnh đó, theo phản ánh của cơ quan điều tra, việc thực hiện giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng... thường rất chậm, kéo dài, không đáp ứng yêu cầu về thời gian theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.

Nội dung yêu cầu giám định trong các vụ án tham nhũng, nhất là về xây dựng cơ bản gồm nhiều vấn đề phức tạp, có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau (tài chính, xây dựng, kỹ thuật chuyên ngành...). Một số trường hợp, nội dung yêu cầu giám định là nghiệp vụ chuyên môn mới phát sinh, rất phức tạp, khối lượng công việc lớn, vượt quá khả năng của một nhóm cá nhân hoặc của một tổ chức làm giám định, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của bộ, ngành chuyên môn hoặc của cơ quan chủ quản.

Vì những lẽ trên, công tác GĐTP để xác định thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thực sự có vai trò vô cùng quan trọng nhằm giải quyết triệt để các vụ án và muốn vậy, rất cần sự phối hợp, thống nhất của các cơ quan liên quan./.

Đọc thêm