Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội: 'Người bệnh chính là người thầy của mình'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Người bệnh cũng chính là người thầy của chúng tôi vì việc chữa trị bệnh nhân giúp bác sĩ đúc rút kinh nghiệm và giỏi nghề. Có rất nhiều điều trong sách vở, trong lý thuyết không có mà chúng tôi phải học qua người bệnh”, PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ.
PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Tranh thủ từng giây cứu chữa cho bệnh nhân

Bệnh viện Tim Hà Nội mỗi năm tiến hành phẫu thuật gần 2.000 ca, can thiện gần 8.000 trường hợp. Đơn vị có số ca phẫu thuật, can thiệp chỉ đứng sau BV Bạch Mai. Mỗi năm bệnh viện khám khoảng 400.000 người bệnh.

Trải qua 16 năm đứng mổ, thực hiện hàng nghìn ca phẫu thuật tim, cứu sống người bệnh, bác sĩ Hiền tâm sự: “Mỗi người chỉ có 1 quả tim, khi quả tim ngừng đập thì cơ thể sẽ chết. Ngành tim mạch do đó khác những ngành khác trong nghề Y, chính xác là phẫu thuật tim rất đặc thù, bác sĩ phải hết sức tranh thủ tối đa thời gian nếu không bệnh nhân sẽ nhanh chóng tử vong”.

Bác sĩ Hiền cho biết thêm, phẫu thuật các bộ phận khác thì có thể ngừng lại hội chuẩn với đồng nghiệp 5 -10 phút, nhưng đối với tim mạch, khi dùng thuốc cho tim ngưng đập để thao tác thì cần tận dụng từng phút từng giây và thao tác đòi hỏi độ chính xác cao., vì khi làm sai thì không có cơ hội sửa chữa...

Với PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền, ca phẫu thuật từ ngày đầu tiên đứng mổ vẫn là kỷ niệm đáng nhớ nhất.

Bác sĩ Hiền kể, năm 2016, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân là cựu chiến binh bị suy tim do viên đạn găm vào tim 38 năm không phát hiện được. Khi phát hiện và tiến hành mổ, thì viên đạn đã đi qua thành ngực, đi qua thành trước của quả tim, làm thủng lá van tim và găm vào thành sau quả tim. Khi mở quả tim ra thì tim rạn rất to do lỗ thủng trên van tim. Bác sĩ Hiền đã lấy được đầu viên đạn han gỉ trong quả tim, sau đó sửa lại thành tim, vá lại lỗ thủng.

“Đây là ca bệnh rất kỳ lạ. Bình thường vào trường hợp như thế người bệnh sẽ chết, nhưng bệnh nhân này bị đạn găm vào tim 38 năm, đạn han gỉ mà vẫn sống kỳ diệu, sống đến nay”, bác sĩ Hiền nói.

Một kỷ niệm khó quên khác với Bác sĩ Hiền là khi phẫu thuật một bệnh nhi đồng bào dân tộc, em bé bị bỏ rơi, khi đến viện thì người đã tím ngắt. Em bé mắc bệnh tim bẩm sinh rất phức tạp, may mắn được đưa đến bệnh viện để kịp thời can thiệp. “Bệnh nhi bị tim bẩm sinh thất phải hai đường ra, cả động mạch chủ và động mạch phổi đi ra từ bên phải. Tôi đã mổ và sửa toàn bộ. Sau điều trị, bệnh nhi khỏe mạnh ra viện”, bác sĩ Hiền cho biết.

Tự rèn luyện từ công việc hộ lý đến bác sĩ

Bác sĩ Hiền có quãng thời gian “dùi mài" kinh nghệm từ những năm tháng nội trú sau học đại học. Bác sĩ Hiền học nội trú tại Bệnh viện Việt Đức gần 4 năm.

Bác sĩ nhớ lại, ngày ấy, học hành rất áp lực, cứ 4 ngày lại có 1 ngày trực, 8 ngày có 2 buổi thức trắng đêm ở phòng cấp cứu lo cho bệnh nhân đi mổ rồi ghi chép lại các ca mổ trong ngày vào cuốn sổ lớn để hôm sau giao ban trước các “Giáo sư đầu bạc”.

"Bệnh viện Việt Đức nổi tiếng các giáo sư nên rất nghiêm, không được phép sai nên 2 buổi đó hầu như không cho phép mình ngủ mà hôm sau vẫn phải đi làm bình thường. Không ngủ đủ nên hầu hết người học nội trú giai đoạn đó đều bị bệnh viêm dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Bản thân tôi cũng bị nội soi dạ dày", bác sĩ Hiền bộc bạch. “Tuy vất vả nhưng lại rèn luyện cho mình về mọi kỹ năng, từ công việc của hộ lý đến bác sĩ: đẩy cáng, đẩy bô, đặt nội khí quản, chọc ven, cho thuốc, đi mổ... Mình học được tất cả những điều cần thiết để giúp người bệnh”.

Sau 4 năm học nội trú tại Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ Hiền có 2 năm học nội trú ở Pháp, cũng là khoảng đầy khó khăn. Sáng đến bệnh viện xem khám và cho đơn thuốc bệnh nhân, sau đó đi phụ mổ, chiều về viết thư gửi gia đình các trường hợp cho ra viện. Thời gian đầu vốn tiếng Pháp chưa tốt nên 20-21h hàng ngày, bác sĩ Hiền mới xong việc để về ký túc xá học.

Bác sĩ Hiền không giấu được xúc động: “Nhờ 4 năm nội trú ở BV Việt Đức rèn cho tôi nghị lực để vượt qua 2 năm nội trú ở Pháp. Công việc không vất vả nhưng vượt được áp lực về ngôn ngữ, văn hóa 2 năm ở Pháp, nghề nghiệp mình được chuyên sâu và học được cách đối xử với người bệnh, coi người bệnh như người bạn chứ không phải người ban ơn. Người bệnh cũng chính là người thầy của chúng tôi vì việc chữa trị bệnh nhân giúp bác sĩ đúc rút kinh nghiệm và giỏi nghề. Có rất nhiều điều trong sách vở, trong lý thuyết không có mà chúng tôi phải học qua người bệnh".

Đam mê và hạnh phúc khi chữa lành cho các trái tim tổn thương

Công việc hiện tại không kém vất vả, áp lực nhưng với bác sĩ Hiền, công việc cũng mang đến nhiều niềm vui khó tả, nhất là khi thực hiện thành công ca khó, cứu được người bệnh. Ông quan niệm, học bác sĩ để cứu người thì phải cứu bằng được những trường hợp nặng.

Đảm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bác sĩ Hiền đã giảm bớt số ca phẫu thuật vì phải dành thời gian cho công tác quản lý. “Nhiều người nói khi lớn tuổi công việc càng ít đi nhưng cá nhân tôi thấy công việc lại nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi hạnh phúc khi chữa lành các trái tim tổn thương. Còn khỏe mạnh thì tôi còn cống hiến. Tôi cũng không ôm đồm mà để cho lớp trẻ được trải nghiệm, thực hành. Tôi luôn sắp xếp làm sao để hài hòa giữa quản lý, dạy học và mổ. Mong sao truyền đạt được hết kinh nghiệm của mình cho thế hệ sau cứu người”, PGS.TS Hiền chia sẻ.

Đọc thêm