Với hơn 20 năm trong nghề, trải qua nhiều biến cố tưởng chừng không thể đứng dậy, đến nay OWTEK có thể tự tin là đã tạm ổn định về đường hướng, chính sách phát triển lâu dài. Bước chân vào nghề cơ khí chế tạo máy trong hoàn cảnh xã hội không sẵn sàng và hoàn toàn không tin tưởng DN ngoài quốc doanh có thể làm những công việc trước nay chỉ có Nhà nước mới làm được.
Trải qua 2 cuộc khủng hoảng kinh tế (1997 và 2009) đầy cam go, trong khi các công ty cơ khí của Nhà nước dần đóng cửa, hoặc phải chuyển đổi mô hình sản phẩm để phù hợp với thị trường, để tồn tại, OWTEK buộc phải thay đổi suy nghĩ…
Năm 1997, ai thuê gì OWTEK cũng làm hết, từ bàn ghế, lan can cầu thang…. Năm 2009 thì phải nghĩ cách đi tìm dư địa ở ngoài nước… Cứ thế, “cái khó ló cái khôn”, cộng với chút may mắn OWTEK đã định hình và chuyên nghiệp một nghề cho chín là thiết kế chế tạo hệ thống băng tải băng chuyền cho các ngành sản xuất.
Ban đầu là hệ thống băng tải đơn giản, cho đến nay Công ty đã phát triển để có các hệ thống băng tải thông minh góp phần hỗ trợ nhà sản xuất quản lý chi phí và tối ưu hóa chi phí sản xuất trên chính dây chuyền của mình.
Thành công trong một lĩnh vực “hot” những cũng rất “hóc”. Điều gì đã giúp OWTEK vững bước, trưởng thành và có tên tuổi trên thương trường?
- Điều gì đã giúp OWTEK vững bước, trưởng thành? Chỉ có thể là hai từ “gian khó”. Gian khó đã giúp chúng tôi vững vàng và trưởng thành từng ngày. Rất nhiều gian khó, trên tất cả các mặt trận từ nội bộ, khách hàng, thị trường, đối thủ, tài chính, kỹ thuật…
Có những gian khó đã vượt qua, có những gian khó còn đang hiển hiện chưa được giải quyết, nhưng nhờ có nó chúng tôi được tôi luyện mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, “lì đòn” hơn. Và cũng nhờ có gian khó tôi hiểu được rõ ràng chân lý “không có con đường thành công nào trải toàn hoa hồng”.
Không chỉ ở Việt Nam, hiện nay sản phẩm của OWTEK đã có mặt ở các quốc gia trong khu vực và nhiều nước châu Âu, châu Mĩ… Bà có thể chia sẻ một chút về những cố gắng và nỗ lực này?
- Với thế mạnh về năng lực sáng tạo của đội ngũ kỹ thuật cùng phương châm “luôn tìm cách tốt nhất để khách hàng được hưởng lợi”, sau thời gian dài tập trung đầu tư cho nền tảng sản xuất như con người, máy móc, năng lực đội ngũ…đến nay có thể nói chúng tôi đã gây dựng được cơ sở hạ tầng tương đối vững chắc, chuyên nghiệp.
Khách hàng cũng dần được lựa chọn, phục vụ một cách tốt nhất sao cho khi kết hợp với OWTEK sẽ hoàn toàn yên tâm và thiết bị sinh lợi lâu dài. Hiện OWTEK đã xuất khẩu đi 12 thị trường trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đan Mạch..
Có được điều này cũng nhờ vào một lần gian khó, đó là vào năm 2009 khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu diễn ra tại một số nước, ngay ở Việt Nam làn sóng và ý chí đầu tư cũng bắt đầu chậm lại. Đầu năm 2010 chúng tôi đứng trước nguy cơ phải đóng cửa công ty vì 6 tháng không có việc. Lãnh đạo Công ty suy nghĩ không thể ngồi không chờ chết thế này được, phải làm gì thôi?
Nhưng làm gì được trong khi nền kinh tế cả thế giới đang trì trệ, giới đầu tư “co vòi nằm ngủ”, các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam lúc đó cũng “hoạt động cầm chừng” vì hàng tồn kho không bán được, vậy lấy ai đầu tư mà sản xuất máy móc thiết bị bây giờ?
Thế là chúng tôi đặt ra mục tiêu, không sản xuất thì đi làm thị trường. Vậy là chúng tôi đổ quân đi triển lãm Lào, Campuchia, Myanma…, cứ đâu có hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại là đi. Chỉ mất nửa năm, đến đầu 2011 chúng tôi có đơn hàng xuất khẩu sang Lào. Vậy là niềm tin vào tương lai đã trở lại…
Bà có nhận xét gì về môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam? Trong xu thế hội nhập với nền kinh tế quốc tế, OWTEK đã có sự chuẩn bị như thế nào để tự tin phát triển?
- Nếu nói về môi trường đầu tư ở Việt Nam so với thế giới nói chung Việt Nam vẫn được đánh giá là nơi có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, tuy nhiên rủi ro cũng không ít. Thứ nhất là về cơ chế chính sách điều hành kinh tế của Nhà nước.
Hiện tại, chúng ta vẫn tồn tại cơ chế “xin cho”, làm kinh tế trên cơ sở mối quan hệ…, bởi vậy tới đây rất cần sự ổn định và minh bạch, vì nếu thiếu sự ổn định và minh bạch thì sẽ phát sinh rủi ro cho nhà đầu tư. Nền kinh tế cũng vì thế mà sẽ mạnh lên hay yếu đi.
Hai là lực lượng lao động Việt Nam chưa được đánh giá cao, mặc dù giá thuê nhân công rất rẻ…
Theo cá nhân tôi, chưa bao giờ tôi thấy tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ mạnh mẽ như bây giờ. Cũng chưa bao giờ thấy lớp doanh nhân đàn anh, đàn chị mất tinh thần làm giàu như vậy. Thật mâu thuẫn phải không?! Nhưng thực sự nó làm cho tôi phải suy nghĩ tại sao, đến khi nào chính sách kinh tế ổn định và minh bạch khi đó doanh nhân mới an tâm làm giàu, đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu không minh bạch chúng ta khó lòng giữ được sự chủ động trong hội nhập.
Sân chơi chung tất yếu phải vào, biển lớn tất yếu phải ra. Thuyền đã lớn không thể quẩn quanh mãi nơi ngã ba sông. Nhưng ra biển lớn rồi thì phải đối mặt với sóng lớn, sang sân nhà người rồi thì tất phải chơi theo luật chung.
Thế nên, điều cần thiết nhất cho chúng tôi cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trước khi vào cuộc chơi quốc tế phải chuẩn bị cho mình đủ kiến thức, tư duy chiến lược/khoa học, sức khỏe tài chính/nhân sự.
Bên cạnh đó cũng cần có sự hậu thuẫn đặc biệt của Nhà nước về cơ chế, chính sách đối với ngành cơ khí chế tạo nói chung và với nhân lực ngành công nghiệp nói riêng thì mới mong tồn tại và phát triển được theo xu thế hội nhập.
Xin cảm ơn bà!