Giám đốc Qũy nhân ái lừa tiền sinh viên, chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng

(PLO) - Với mác danh giám đốc của một tổ chức từ thiện, Nguyễn Quang Vũ đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và cả tin của người dân, kèm theo sự nôn nóng tìm việc làm của nhiều sinh viên sau khi ra trường đã dễ dàng chiếm đoạt hàng tỷ đồng của các bị hại bằng chiêu “nổ” những người được tuyển dụng khi vào làm cho tổ chức này sẽ được hưởng các chế độ như cán bộ nhà nước. 
Nguyễn Quang Vũ trước vành móng ngựa
Nguyễn Quang Vũ trước vành móng ngựa

Mới đây TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Quang Vũ (SN 1982; quê ở Quảng Bình; hiện trú tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế; nguyên giám đốc Quỹ nhân ái người cao tuổi chi nhánh Quảng Trị) 19 năm tù giam về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiêu lừa tinh vi của vị giám đốc trẻ

Nguyễn Quang Vũ từng tốt nghiệp đại học Kinh tế TP.HCM. Sau khi ra trường, Vũ hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, marketing ở TP.HCM.

Đầu năm 2013, Nguyễn Quang Vũ vào làm việc tại Quỹ Nhân Ái người cao tuổi (QNANCT). Đây là quỹ từ thiện được Bộ Nội vụ cấp giấy phép thành lập, có trụ sở chính đóng tại quận Hà Đông, TP.Hà Nội do bà Phạm Thị Phương Lan làm chủ tịch hội, đồng quản lý quỹ.

Tháng 8/2013, Vũ được bà Lan bổ nhiệm làm Giám đốc chi nhánh QNANCT tại Quảng Bình và giao cho Vũ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng viện dưỡng lão.

Mặc dù biết QNANCT không phải là cơ quan nhà nước và không được cấp kinh phí hoạt động mà phải tự tạo nguồn vốn bằng sự tài trợ, đóng góp của các cá nhân, tập thể hảo tâm, nhưng nắm bắt được tâm lý của nhiều người dân có nhu cầu xin việc làm tại cơ quan nhà nước nên Vũ đã đăng tin thông báo tuyển dụng trên các phương tiện truyền thông đây là cơ quan nhà nước, và người được tuyển dụng vào Quỹ sẽ được biên chế nhà nước, được hưởng lương và các chế độ của ngạch viên chức... hòng thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của người khác.

Sau đó, Vũ soạn các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ với thể thức giống như các quyết định của cơ quan nhà nước.

Vì muốn được tuyển dụng, từ tháng 8/2013 đến tháng 6/2015, có 57 bị hại ở hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị (trong đó có 21 bị hại giao tiền thông qua 3 người trung gian là Trần Thị Kiều Oanh, SN 1959 trú tại huyện Cam Lộ, Quảng Trị; Võ Thị Thu, SN 1964; và Nguyễn Đức Thành, SN 1960 đều trú tại TP.Đông Hà, Quảng Trị) đã giao cho Vũ số tiền gần 4,8 tỷ đồng, trong đó người thấp nhất là 30 triệu đồng, người cao nhất là 200 triệu đồng.

Cụ thể, bằng thủ đoạn nêu trên Vũ đã lừa 19 bị hại ở tỉnh Quảng Bình với số tiền 1,4 tỷ đồng.

Đầu năm 2014, Vũ làm thủ tục xin cấp đất thực hiện dự án Viện dưỡng lão và được UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quyết định giới thiệu địa điểm sử dụng đất tại xã Quang Phú, TP. Đồng Hới, cho phép khảo sát, lập quy trình…

Lợi dụng quyết định này, Vũ đưa ra các thông tin gian dối, hứa hẹn sẽ cho một số doanh nghiệp xây dựng tại Quảng Bình thi công các hạng mục dự án và chiếm đoạt của 3 doanh nghiệp 350 triệu đồng.

Tiếp đó, tháng 7/2014, bà Lan ký quyết định thành lập QNANCT tại Quảng Trị, Vũ được bổ nhiệm làm Phó giám đốc QNANCT khu vực Bắc Trung Bộ. Khi chi nhánh quỹ tại Quảng Bình giải thể, Vũ được bà Lan tiếp tục bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh tại Quảng Trị. Bằng thủ đoạn tuyển dụng tương tự ở trên, Vũ đã chiếm đoạt của 35 bị hại tại Quảng Trị với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được Vũ sử dụng để trả lương cho nhân viên là hơn 1,4 tỷ đồng, mua sắm đồ dùng tại 2 trụ sở gần 115 triệu đồng, chi các hoạt động thường xuyên của quỹ khoảng 950 triệu đồng, còn lại hơn 1,5 tỷ đồng Vũ tiêu xài cá nhân.

Cái giá của lòng tham

Sau khi nhận tiền một thời gian, Vũ đã bị nhiều bị hại phát hiện hành vi lừa đảo, làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an.

Ngày 30/3/2016, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Quang Vũ để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đến ngày 6/4/2016, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã bắt được Vũ khi đang lẫn trốn tại Hà Nội.

Trước vành móng ngựa, Vũ cũng khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và lý giải ban đầu khi được bà Lan bổ nhiệm chức vụ, Vũ nhầm tưởng QNANCT là cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, về sau khi biết quỹ này không thuộc cơ quan nhà nước và trước áp lực phải tự xoay xở kinh phí để tồn tại, Vũ đã nghĩ ra cách lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác.

“Bị cáo rất hối hận về những lỗi lầm mình đã gây ra, chỉ mong tòa cho bị cáo bản án nhẹ nhất để bị cáo sớm trở về với gia đình. Một năm ngồi tù, đến giờ đứa con của bị cáo cũng không còn nhận ra bị cáo chính là cha của nó nữa”, Nguyễn Quang Vũ nói. 

Trong số 57 nạn nhân bị lừa đảo, chỉ có 14 nạn nhân đến tham dự phiên tòa. Họ đa phần là các sinh viên vừa mới tốt nghiệp. Trước cảnh khát việc làm, nên khi nghe Vũ rao giảng vào làm cho Qũy sẽ được hưởng các chế độ như cán bộ nhà nước, các bị hại đã sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để “mua việc” mà không chút nghi hoặc. Giờ đây, tất cả họ chỉ yêu cầu vị giám đốc hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt của mình. Hiện tại, Nguyễn Quang Vũ mới trả cho các bị hại 708 triệu đồng.

Xét thấy hành vi của Nguyễn Quang Vũ là nguy hiểm cho xã hội nên HĐXX đã tuyên phạt Vũ mức án 19 năm tù giam, đồng thời tiếp tục hoàn trả số tiền chiếm đoạt còn lại cho các bị hại.   

Trong vụ án này, Trần Thị Kiều Oanh, Võ Thị Thu và Nguyễn Đức Thành mặc dù đã đứng ra nhận tiền của một số người thân quen vào làm việc tại Quỹ và giao lại cho Vũ, chỉ giữ lại một khoản tiền riêng với lý do khi người tuyển dụng được hưởng chế độ bảo hiểm sẽ đưa hết cho Vũ nhưng không biết hành vi phạm tội của Vũ nên không có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.

Còn đối với bà Phạm Thị Phương Lan, Chủ tịch hội đồng quản lý QNANCT, dù thiếu trách nhiệm quản lý, điều hành quỹ chi nhánh, để xảy ra các sai phạm, để cấp dưới phạm tội nhưng bà Lan không biết nên cũng không bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Đọc thêm